Ba triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học

21/02/2013
(Báo Tin tức) Sau 5 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), đã có hàng triệu lượt HSSV thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập. Chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa xã hội to lớn.

4[1]

Làm thủ tục cho vay vốn tại điểm giao dịch phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình)

Theo báo cáo của NHCSXH, nguồn vốn cho vay của chương trình tín dụng đối với HSSV đã được Thường trực Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành cân đối các nguồn từ ngân sách và các nguồn vốn khác để ưu tiên cho việc giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV trong từng thời kỳ. Thường trực Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các Bộ, ngành và NHCSXH trong việc bố trí nguồn vốn, hướng dẫn quy trình thủ tục cho vay cụ thể, đơn giản, thuận lợi. Thông qua các cuộc họp giao ban giữa các Bộ, ngành liên quan đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như phối hợp chặt chẽ và đồng thuận giữa các Bộ, ngành trong suốt quá trình tổ chức thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV.

Cụ thể là mức cho vay đã được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ khi chính sách học phí thay đổi, giá cả sinh hoạt biến động. Tháng 10/2007, mức cho vay là 800.000 đồng/HSSV/tháng; tháng 8/2009 điều chỉnh mức cho vay lên 860.000 đồng/HSSV/tháng; tháng 11/2010 điều chỉnh mức cho vay lên 900.000 đồng/HSSV/tháng và từ tháng 8/2011 đến nay điều chỉnh mức cho vay lên 1.000.000 đồng/HSSV/tháng.

Chương trình tín dụng HSSV cũng đã được triển khai sâu rộng đến các địa phương trên toàn quốc, với sự vào cuộc và tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, trực tiếp là 4 tổ chức hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Phương thức cho vay ủy thác từng phần giữa NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể đã tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện xã hội hoá công tác cho vay, dân chủ, công khai trong việc bình xét về đối tượng thụ hưởng cũng như quản lý, sử dụng vốn vay.

Công tác thông tin, tuyên truyền đã được nhiều cấp, nhiều ngành, NHCSXH cùng thực hiện với nhiều hình thức. Nhờ đó người dân cũng như các cấp, các ngành được biết, hiểu, cùng phối hợp với NHCSXH để tổ chức thực hiện và giám sát lẫn nhau đảm bảo chương trình được thực hiện công khai dân chủ, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để khắc phục.

Với nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, đến ngày 31/12/2012, tổng nguồn vốn chương trình tín dụng HSSV là 36.125 tỷ đồng, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định, trong đó nguồn vốn ngân sách cấp là 1.495 tỷ đồng, chiếm 4,1%; vốn đi vay và phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 34.630 tỷ đồng, chiếm 95,9% tổng nguồn vốn. Chương trình đã cho hơn 3 triệu lượt HSSV được vay vốn. Đến nay đang còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã triển khai thực hiện tốt chính sách giảm lãi tiền vay đối với người vay trả nợ trước hạn, đã động viên khuyến khích được trách nhiệm trả nợ của người vay. Nhiều hộ vay đã chủ động và tự nguyện trả nợ trước hạn để được hưởng chính sách giảm lãi suất tiền vay. Việc trả nợ trước hạn cũng đã góp phần giảm gánh nặng cho hộ vay khi đến hạn trả nợ cuối cùng đồng thời NHCSXH có nguồn vốn bổ sung cho vay quay vòng. Năm 2011 số tiền gốc trả nợ trước hạn là 1.163 tỷ đồng, năm 2012 là 2.500 tỷ đồng.

Kết quả đạt được 5 năm qua cho thấy, chính sách tín dụng đối với HSSV là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội; góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cho HSSV vay trong giai đoạn 2013 - 2017 với dự kiến tổng nguồn vốn khoảng 50.000 tỷ đồng, việc bố trí đủ nguồn vốn có tính ổn định, bền vững là hết sức quan trọng. NHCSXH cũng cần tập trung huy động mọi nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV hàng năm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ “không để một HSSV nào phải bỏ học vì thiếu tiền đi học”.

 

Ngọc Tú

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác