Bước đột phá trong chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên

21/02/2013
(Chinhphu.vn) Chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên (HSSV) được triển khai từ tháng 3/1998 theo Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đã thực sự trở thành chương trình tín dụng lớn, đi vào cuộc sống khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, mở rộng đối tượng, mức vay, lãi suất vay.

3[1] 

Với Quyết định 157, người vay chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay trong thời gian đang theo học tại các cơ sở đào tạo và tối đa 1 năm sau khi ra trường. Trường hợp người vay trả nợ trước hạn sẽ được hưởng chính sách giảm lãi suất cho vay.

Nhờ tính đột phá về chính sách mà trong 5 năm qua, hơn 3 triệu lượt HSSV đã được vay vốn và hiện còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học.

Mức vay sau nhiều lần điều chỉnh tăng thì từ tháng 8/2011 đến nay đang ở mức 1 triệu đồng/HSSV/tháng.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH, cho biết với nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, đến cuối năm 2012, tổng vốn đầu tư chương trình là 36.125 tỷ đồng, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Tổng doanh số cho vay đến nay là 43.362 tỷ đồng, bình quân là hơn 7.200 tỷ đồng/năm; tổng doanh số thu nợ đạt 7.776 tỷ đồng ,dư nợ là 35.802 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 167 tỷ đồng (chiếm 0,47%).

Rất nhiều gia đình nghèo trên cả nước được “đổi đời” từ chính sách tín dụng cho HSSV do con cái có thêm điều kiện học hành.

Nhà bà Thư ở xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, trước đây là một hộ nghèo với 4 người con. Người con cả thiệt thòi nhất vì nhà nghèo, không được đi học, phải làm thợ may khi chưa có Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157.

Hai người con gái sau thì may mắn hơn khi được đi học bằng nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình. Đến nay, hai người con gái của bà đã có việc làm ổn định, gửi tiền về để trả nợ giúp cha mẹ. “Thật may mắn khi nhà tôi được nhận ưu đãi của Nhà nước, và nay trả được nợ là mừng lắm”, bà Thư nói.

Hiện bà Thư còn cậu con út tên Nam vốn phải nghỉ học giữa chừng nhưng nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng HSSV nên đã học xong phổ thông , thi đỗ và đang theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Hay như gia đình của ông Bùi Xuân Giáp ở thôn 7, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, có 6 người con thì có 5 người đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở Vinh và Hà Nội.

“Với thủ tục vay vốn dễ dàng, đơn giản, thuận tiện (nhận tiền vay tại Điểm giao dịch NHCSXH đặt tại trụ sở UBND xã), gia đình chúng tôi đã được cho vay với tổng số tiền 83,2 triệu đồng để có đủ điều kiện cung cấp cho con học tập, các cháu đều thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, đó là động lực để phấn đấu, cố gắng học hành thành tài”, ông Giáp nói.

Bằng việc triển khai tốt chính sách giảm lãi tiền vay đối với người vay trả nợ trước hạn đã khuyến khích được trách nhiệm trả nợ của họ, góp phần giúp NHCSXH có nguồn vốn bổ sung cho quá trình quay vòng. Năm 2011, số tiền gốc trả nợ trước hạn là 1.163 tỷ đồng, năm 2012 là 2.500 tỷ đồng.

Ông Dương Quyết Thắng cho biết mục tiêu giai đoạn 5 năm tới (2013 - 2017), tổng nguồn vốn chương trình sẽ tăng lên khoảng 50.000 tỷ đồng, phấn đấu “không để HSSV nào phải bỏ học vì thiếu tiền đi học”, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%.

Để tạo thêm điều kiện cho HSSV học tập, ông Dương Quyết Thắng cho biết sẽ xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng mức vay thêm 100.000 đồng/HSSV/tháng; bổ sung đối tượng cho vay với gia đình có từ 2 HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn…

Thành Chung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác