TẠO CƠ HỘI THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG: Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg tiếp thêm cơ hội cho hộ cận nghèo
Giữa “sợi chỉ mỏng manh”
Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống; còn hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.
Như vậy, khoảng cách thu nhập giữa 400.000 đồng và 520.000 đồng là rất gần nhau. Chưa kể tới việc bình xét hộ nghèo hiện nay vẫn còn bị chi phối bởi yếu tố cảm tính, thậm chí còn bị tác động từ “bệnh” thành tích ở nhiều địa phương. Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân. Bởi lâu nay, ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo chỉ được ngăn bằng “sợi chỉ mỏng manh”.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc NHCSXH (VBSP), đơn vị giải ngân vốn tín dụng ưu đãi cho biết, chính vì khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo gần nhau quá nên ở nhiều địa phương khi hộ nghèo được vay vốn thì hộ cận nghèo thấy chạnh lòng. “Nhiều hộ mới thoát nghèo, không phải hộ sản xuất giỏi, hộ có nhiều đất, không phải đối tượng khách hàng của Ngân hàng Thương mại thì chương trình này là ánh sáng, chỗ dựa cho hộ cận nghèo, giảm sức ép tranh nhau vào hộ nghèo. Do vậy, nói rộng ra, cho vay hộ cận nghèo góp phần ổn định chính trị - xã hội và giúp người dân nghèo có chỗ bấu víu, có chỗ hy vọng, và giúp người dân tự tin hơn vì trong cuộc sống luôn có Đảng và Nhà nước song hành”, ông Nguyễn Văn Lý nhấn mạnh.
Theo VBSP, hiện nay cả nước còn khoảng 1,5 triệu hộ cận nghèo. Trong đó, 0,8 triệu hộ đang vay vốn chương trình hộ nghèo. Có nghĩa là các hộ này đã thoát nghèo nhờ vay vốn chương trình hộ nghèo và đang có dư nợ vay VBSP. Tổng dư nợ cho vay tương đương 11 nghìn tỷ đồng. Hiện còn 0,7 triệu hộ cận nghèo chưa được tiếp cận vốn vay VBSP để sản xuất kinh doanh.
Cơ hội giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, với Quyết định này, sẽ giải quyết thêm chế độ chính sách ưu đãi cho hộ cận nghèo, nhất là những hộ cận nghèo ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là động lực giúp cho hộ cận nghèo vay vốn sản xuất, vượt khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Vấn đề đặt ra hiện nay là các ban, ngành liên quan cần khẩn trương triển khai chính sách này. Bên cạnh đó, các Bộ ngành và VBSP bàn bạc và nên bố trí nguồn vốn kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân thuộc đối tượng này.
Về lãi suất cho vay hộ cận nghèo, Quyết định của Thủ tướng quy định lãi suất cho vay đối tượng này bằng 130% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ. Như vậy, lãi suất cho vay hộ nghèo của VBSP hiện là 7,8%/năm thì lãi suất cho vay hộ cận nghèo 10,14%/năm. Theo ông Nguyễn Văn Lý, việc quy định mức lãi suất này góp phần giảm áp lực cho nguồn vốn đồng thời cũng phân biệt giữa đối tượng hộ nghèo và cận nghèo được hưởng ưu đãi khác nhau.
Tuy nhiên, bà Khúc Thị Duyền - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình cho rằng, ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo rất sát nhau nhưng lãi suất cho vay giữa đối tượng này lại có khoảng cách hơi lớn. Có thể nói, mức lãi suất cho vay 10,14%/năm là cao đối với hộ cận nghèo. Theo bà mức lãi suất cho vay hộ cận nghèo nên nhỉnh hơn hộ nghèo một chút và chỉ khoảng 8 - 9%/năm. Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh lãi suất của một số Ngân hàng Thương mại đối với nhiều lĩnh vực sản xuất ưu tiên đang giảm thì cũng nên cân nhắc mức lãi suất này.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Lý cho biết, bao giờ vay vốn ưu đãi qua VBSP lãi suất cũng thường thấp hơn lãi suất cho vay thị trường cùng loại. “Trong trường hợp lãi suất thị trường cùng loại mà giảm, thì chắc chắn các cơ quan liên quan sẽ tham mưu cho Chính phủ để giảm lãi suất xuống. Bên cạnh đó, trong chiến lược của VBSP là ngân hàng sẽ giảm dần ưu đãi về lãi suất mà tăng dần ưu đãi về cách thức phục vụ người dân”, ông Nguyễn Văn Lý chia sẻ.
Đại diện VBSP cũng khẳng định, quy trình cho vay hộ cận nghèo giống như cho vay hộ nghèo, toàn bộ ưu đãi phục vụ của VBSP cho hộ nghèo sẽ được chuyền tải phục vụ cho hộ cận nghèo cùng thụ hưởng chính sách, riêng lãi suất thì khác. “Tuy nhiên, đây là chính sách lâu dài nên hộ cận nghèo yên tâm, không nên vội vàng, mà phải tính toán phù hợp với lộ trình sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình để vay vốn mới mang lại hiệu quả thực sự và lâu dài”, vị đại diện VBSP cũng khuyến cáo người dân.
Quang Cảnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Điểm tựa tín dụng cho hộ cận nghèo
- » Bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho học sinh, sinh viên ổn định, bền vững
- » Bước đột phá trong chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên
- » Nhìn lại 5 năm “đầu tư” cho tương lai
- » Ba triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học
- » Có một Sa Pa khác...
- » Hành trình của đồng vốn ưu đãi