Điểm tựa tín dụng cho hộ cận nghèo

01/03/2013
(Chinhphu.vn) Chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân trong cả nước. Trong năm nay, NHCSXH có thể bố trí tới 3.000 tỷ đồng để cho các đối tượng này vay đầu tư sản xuất.
6002Untitled-1

Nhiều hộ cận nghèo dân tộc thiểu số mong được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, anh Thèn Văn Nam - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Cốc Lây, xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết: Trong những năm qua, nhờ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của địa phương, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 60% (năm 2011) xuống còn 49%, hiện cả xã có khoảng 30% hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, tỷ lệ các hộ thoát nghèo trong xã, trong bản chưa thực sự bền vững. Vì thực tế điều kiện kinh tế và kỹ năng sản xuất giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo chẳng khác nhau là mấy. Chỉ cần một trận rét hại, hay gia đình có người đau ốm,… là hộ cận nghèo có thể bị tái nghèo. Do vậy, các hộ cận nghèo trong xã rất cần tiếp tục được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.

Cùng quan điểm trên, anh Lèng Văn Thành chủ hộ cận nghèo ở bản Cốc Cái, xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: “Mấy năm trước mình vay 10 triệu đồng từ NHCSXH mua được con nghé, nuôi 3 năm mình bán được 27 triệu đồng, trả hết nợ, lại mua được con nghé con để nuôi tiếp. Tuy đã thoát nghèo rồi, nhưng mình vẫn muốn vay tiền ưu đãi của Chính phủ để nuôi trâu, sau khoảng 3 - 4 năm nữa bán đi vài con, trả xong nợ, mình sẽ có tiền làm nhà mới”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện các tổ chức nhận ủy thác từ NHCSXH cho rằng: Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân. Có thể coi đây là một cú hích, tiếp sức cho hộ cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sẽ bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng cho vay

Phấn khởi vì được vay vốn ưu đãi, tuy nhiên, các hộ cận nghèo vẫn băn khoăn là liệu ngân hàng có bảo đảm nguồn vốn để cho họ vay không, thủ tục cho vay như thế nào, lãi suất liệu có cao so với các Ngân hàng Thương mại khác,…

Đem những băn khoăn trên trao đổi với đại diện NHCSXH, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc cho chúng tôi biết: Trong số 1,5 triệu hộ cận nghèo, hiện có khoảng 0,8 triệu hộ đã được vay khoảng 11 nghìn tỷ đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư sản xuất và thoát nghèo (hiện số hộ này vẫn đang còn dư nợ từ NHCSXH).

Trong năm nay, NHCSXH sẽ bố trí khoảng 2.000 đến 3.000 tỷ đồng để cho đối tượng hộ nghèo tiếp tục được vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh, với mức vay bình quân khoảng 15 triệu đồng/hộ.

Về thời hạn vay vốn thì NHCSXH sẽ bố trí thời hạn cho vay phù hợp theo chu kỳ sản xuất - thu hoạch - thu nợ - cho vay. Ví dụ nếu bà con vay để đầu tư trồng cây ngắn ngày, nuôi gia cầm, thủy sản thì thời hạn cho vay khoảng 1 năm. Còn nếu bà con vay để nuôi gia súc lớn hoặc trồng cây dài ngày thì thời hạn cho vay có thể từ 5 - 7 năm,… Thủ tục vay vốn và các chính sách ưu đãi đối với hộ cận nghèo (trừ lãi suất) được thực hiện như đối với hộ nghèo.

Lãi suất thấp hơn

Về lãi suất cho vay hộ cận nghèo, Quyết định của Thủ tướng quy định lãi suất cho vay đối với đối tượng này bằng 130% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ. Hiện nay lãi suất cho vay hộ nghèo là 7,8%/năm, như vậy lãi suất cho vay hộ cận nghèo là 10,14%/năm.

Trước những ý kiến cho rằng, mức lãi suất này là cao so với khả năng của hộ cận nghèo, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc NHCSXH khẳng định: mức lãi suất này hiện vẫn thấp hơn lãi suất thị trường cùng loại. Trong trường hợp lãi suất thị trường cùng loại giảm thì NHCSXH và các cơ quan liên quan sẽ tham mưu cho Chính phủ để giảm lãi suất hộ cận nghèo xuống.

Mặt khác, quy định này cũng phù hợp với Chiến lược phát triển của NHCSXH là từng bước giảm dần ưu đãi về lãi suất, tăng dần ưu đãi về cách thức phục vụ người dân, bảo đảm quá trình cho vay được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đồng vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ người cần.

Ông Lý cũng khuyến cáo, đây là chính sách lâu dài, nên hộ cận nghèo yên tâm tính toán phù hợp với lộ trình sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình để việc vay vốn mang lại hiệu quả thực sự và lâu dài.

Trần Mạnh - Trần Thơm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác