“Cú hích” giúp nông dân thoát nghèo bền vững

07/05/2013
(VBSP News) Sau 10 năm đi vào hoạt động, NHCSXH tỉnh Bình Phước đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc của hàng nghìn hộ nghèo trong tỉnh, góp phần không nhỏ vào công tác xóa nghèo tại địa phương.
Untitled-2

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân đã đầu tư sản xuất hiệu quả

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay

Bình Phước là tỉnh thuần nông, một bộ phận dân cư còn nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ nghèo dã khó khăn càng thêm vất vả trong quá trình lập nghiệp vì khó tiếp cận vốn của Ngân hàng Thương mại do không có tài sản thế chấp. NHCSXH ra đời là kênh dẫn vốn tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa nghèo trên địa bàn.

Ông Trương Thanh Dũng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Phước cho biết, qua 10 năm hình thành và phát triển, NHCSXH đã có đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực xóa nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Từ chỗ chỉ thực hiện chương trình cho vay từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo, Ngân hàng Công Thương và Kho bạc Nhà nước, đến nay, ngân hàng đang thực hiện 9 chương trình cho vay phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách (cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn), với tổng dư nợ tăng gấp 9 lần so với lúc mới thành lập.

NHCSXH đã ký ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách qua 4 tổ chức hội, đoàn thể. Các hội, đoàn thể đã thực hiện lồng ghép chương trình, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, giúp người dân phát triển sản xuất và thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ưu đãi lớn nhất là việc một hộ có thể vay vốn của nhiều chương trình. Dù mức vay tối đa mỗi chương trình chưa lớn, nhưng gộp nhiều chương trình lại thì các hộ có đủ nguồn lực để phát triển kinh tế.

Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, 10 năm qua, trên địa bàn Bình Phước đã có 46 nghìn hộ cải thiện được cuộc sống, trong đó có 18 nghìn hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho gần 80 nghìn lao động; tạo điều kiện cho gần 29 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn để chi phí cho học tập; 66.677 hộ tại vùng nông thôn xây dựng nhà vệ sinh và công trình nước sạch hợp chuẩn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững…

Nông dân thoát nghèo bền vững 

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, bà Nguyễn Thị Thu ở xã Thanh Lương (TX. Bình Long) đã thoát nghèo, vươn lên khá - giàu. Bà Thu cho biết: “Vì đông con nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2008, thông qua Hội Nông dân xã, tôi được bình xét cho vay 7 triệu đồng từ vốn xóa nghèo, thời hạn vay 3 năm. Nhờ sự hướng dẫn của Hội Nông dân và cán bộ khuyến nông, tôi nuôi bò sinh sản và trồng hoa màu, cuộc sống nhờ đó ổn định hơn trước. Năm 2009, các con vào đại học, tôi lại được vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên với số tiền 65,8 triệu đồng. NHCSXH còn hỗ trợ 8 triệu đồng để đầu tư công trình nước sạch và vệ vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay thêm 7 triệu đồng để mở rộng phương án sản xuất chăn nuôi con giống. Tổng số tiền gia đình vay của NHCSXH là 87,8 triệu đồng. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, gia đình đã trả được những khoản nợ đúng hạn và vươn lên hộ khá”.

Ông Trần Văn Đức ở xã Phước Tín (TX. Phước Long) chia sẻ: “Gia đình tôi từ Nam Định vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1986. Dù làm đủ nghề nhưng chúng tôi chỉ sang nhượng được một mảnh đất nhỏ cùng căn nhà tạm, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2007, con gái tôi đậu đại học, cả nhà chắt chiu vẫn không đủ tiền cho con ăn học. Nhờ nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên, 3 con của tôi đều được học đại học. Đến nay, gia đình tôi đã vay 89,2 triệu đồng từ NHCSXH; trong đó: 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư chăm sóc vườn điều và cao su; 59,2 triệu đồng vốn vay cho 3 đứa con học tập. Từ hộ nghèo, được sự quan tâm của chính quyền và nguồn vốn vay của NHCSXH như một “cú hích” giúp gia đình từng bước thoát nghèo. Hiện, gia đình tôi có nguồn thu ổn định từ 1 ha điều và 1ha cao su, 2 con đã ra trường có việc làm ổn định”.

Được biết, NHCSXH tỉnh Bình Phước đã và đang nỗ lực mở rộng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến các thôn, ấp vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp hàng ngàn hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế để làm giàu.

Bình phước

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác