Đưa ngân hàng về tận buôn làng

21/06/2013
(Báo Đắk Nông) Trực tiếp đi từng thôn, đến từng nhà tìm hiểu nhu cầu vay vốn, rồi thu lãi, thu tiết kiệm và động viên người dân sử dụng đồng vốn thế nào cho có hiệu quả... tất cả đều được những người làm công tác tín dụng ở cơ sở thực hiện một cách thuần thục. Họ chính là những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đang đưa các hoạt động của NHCSXH đến gần hơn với người dân ở các buôn, làng ở tỉnh Đắk Nông.
Giải ngân tại Điểm giao dịch

Giải ngân tại Điểm giao dịch

Những Tổ trưởng tận tụy

Ðảm nhận chức trách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 6, xã Quảng Khê, huyện Ðắk Glong (Đắk Nông), một địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí thấp, đời sống còn nhiều nghèo khó, chị H’Ộch luôn trăn trở là làm thế nào để người dân được vay vốn và biết cách làm cho đồng vốn sinh lời, để vừa trả được gốc và lãi cho ngân hàng, vừa cải thiện cuộc sống gia đình. Trăn trở vì điều đó nên cứ mỗi tối, khi ánh đèn điện của mỗi nhà được bật lên là chị lại tất bật đến gõ cửa để hướng dẫn họ nên sử dụng đồng vốn thế nào cho hiệu quả.

Tùy vào điều kiện của từng gia đình, chị lại tư vấn cho bà con, với hộ này nên nuôi heo, hộ kia thì nuôi gà, vịt, đầu tư vào vườn cà phê… Chị rất vui khi có nhiều thành viên trong tổ ăn nên làm ra, thoát nghèo nhờ đồng vốn vay của NHCSXH. Với sự tận tụy đó, đến nay, nguồn vốn mà tổ đang quản lý đã lên 1,7 tỷ đồng, với 56 hộ khách hàng được vay vốn. Số thành viên trong tổ đã vươn lên thoát nghèo hàng năm đều tăng lên.

Chị H’Ộch bộc bạch: “Một khi đã đảm nhận công việc thì tôi phải tận tụy và hết lòng. Hơn nữa, đây lại là một công việc mà mình có thể giúp đỡ bà con, đặc biệt là những hộ nghèo trong thôn được vay vốn để thoát nghèo nên tôi vui và hạnh phúc lắm”.

Tương tự như vậy, hễ khi nào có thời gian rảnh rỗi là chị Trịnh Thị Hội - Tổ tiết kiệm và vay vốn ở bon Bu Boong, xã Ðắk Búk So, huyện Tuy Ðức lại đến tận các gia đình để tìm hiểu nhu cầu, xác định chính xác đối tượng cần vay vốn, rồi trình lên chính quyền xã và NHCSXH để được xem xét cho vay. Không dừng lại ở đó, đến khi có vốn rồi, chị lại tự học hỏi, tìm hiểu những vật nuôi, cây trồng phù hợp để tư vấn cho bà con đầu tư đồng vốn sao cho có hiệu quả.

Anh Trần Ngọc Hải, ở buôn Bu Boong phấn khởi nói: “Lần đầu, gia đình tôi được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH về cũng chưa biết phải sử dụng vào đâu cho hiệu quả. Thế rồi, qua hai lần chị Hội đến hướng dẫn, gia đình tôi đã quyết định đầu tư vào 1,5ha cà phê. Với sự đầu tư đúng hướng, đúng kỹ thuật nên vườn cà phê của gia đình ngày càng phát triển xanh tốt, mỗi năm mang lại năng suất hơn 4 tấn. Giờ đây, gia đình tôi không những trả được nợ ngân hàng mà còn thoát được cái nghèo rồi”.

Đưa ngân hàng đến với người dân

NHCSXH giờ đây đã đến gần với người dân, nhất là đối với những gia đình ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Bởi, hiện nay, tất cả các xã đều có Điểm giao dịch. Ở mỗi thôn, buôn đều có các Tổ tiết kiệm và vay vốn, có thời gian làm việc cụ thể được báo trước nên đến ngày trả lãi hay giải ngân, bà con chỉ cần đến làm việc với Tổ trưởng nên mọi thứ đều rất thuận lợi, nhanh chóng. Các buổi giao dịch giống như những buổi họp giao ban. Bởi tại đây, không chỉ có cán bộ NHCSXH phổ biến những chủ trương, chính sách mới tới địa phương, mà còn là dịp để các Tổ tiết kiệm và vay vốn phản ánh lại những thông tin tại địa phương đến ngân hàng.

Bà Lê Thị Lan, ở bon Bu Boong, xã Ðắk Búk So phấn khởi cho hay: “Vay vốn từ NHCSXH bây giờ đơn giản lắm. Tất cả mọi giấy tờ, thủ tục vay vốn, trả lãi, gốc hàng tháng… đều được các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn rất nhiệt tình, chi tiết. Không những thế, thông qua các Tổ trưởng, người dân chúng tôi còn nắm bắt được nhiều chủ trương, chương trình vay vốn mới của NHCSXH mà nếu như trước đây là không thể”.

Hiện tại, toàn tỉnh có trên 1.300 Tổ tiết kiệm và vay vốn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc có trên 1.300 cán bộ tín dụng ở cơ sở là các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Mỗi Tổ trưởng chính là một “nhịp cầu” thiết thực nhất để đưa ngân hàng đến gần hơn với người dân. Bởi không ai khác, họ chính là những người trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, trực tiếp thu lãi, gốc và động viên người dân sử dụng đồng vốn thế nào cho có hiệu quả.

Nguyễn Lương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác