Tâm huyết giảm nghèo

14/05/2013
(VBSP) Những năm qua, thông qua hoạt động của hơn 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng vốn chính sách đã đến tay hàng triệu hộ vay. Trong quá trình sử dụng hiệu quả đồng vốn để thoát nghèo, không thể không kể đến nỗ lực của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Câu chuyện về ông Trần Xuân Ước - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 9, thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) là một ví dụ.
Từ đồng vốn chính sách, nhiều hộ gia đình ở Lâm Đồng đã tăng năng suất cây trồng, giảm nghèo hiệu quả

Từ đồng vốn chính sách, nhiều hộ gia đình ở Lâm Đồng đã tăng năng suất cây trồng, giảm nghèo hiệu quả

Niềm tin vào chính sách đúng đắn

Ông Trần Xuân Uớc kể, khu 9 của ông bám dọc theo trục đường 721, đất đai khắc nghiệt “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập úng”, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trong đó có trên 30% hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn cần sự giúp đỡ. Hồi đầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Ước bỡ ngỡ lắm, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH và chi hội nông dân khu phố nên giờ ông đã “thạo việc” lắm rồi. Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 9 đang quản lý dự nợ trên 840 triệu đồng cho 41 tổ viên vay 5 chương trình, không có nợ quá hạn. Hàng tháng, các tổ viên đều tự nguyện gửi tiết kiệm với mức gửi thấp nhất là 50 nghìn đồng/hộ, đa phần sộ hộ đã tham gia tiết kiệm với số tiền “tích tiểu thành đại”, toàn tổ giờ đã lên đến 43 triệu đồng.

“Chủ trương đúng đắn của Chính phú về tín dụng chính sách, cùng với sự phục vụ nhiệt tình, trách nhiệm cao của cán bộ NHCSXH được người dân đồng tình ủng hộ, đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và chính trị của địa phương - ông Ước chia sẻ - Từ khi thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, tại khu 9 đã có 10 hộ thoát nghèo, 28 lao động có việc làm, trong đó: nhiều hộ vay vốn có mô hình đầu tư hiệu quả nên đã thoát nghèo bền vững, điển hình như hộ ông Trần Văn Bô, hộ bà Hoàng Thị Nga, hộ ông Vũ Trọng Tấn…”.

Có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị và NHCSXH, cấp hội nhận ủy thác, cùng với ý thức trách nhiệm của các hộ gia đình vay vốn với mong muốn vươn lên thoát nghèo, ông Uớc, với trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng Ban quản lý tổ đã không ngừng nỗ lực. Ngoài việc thực hiện thủ tục để tổ viên vay vốn, ông đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai hướng dẫn khoa học, kỹ thuật trồng lúa, chăn nuôi, đúc kết kinh nghiệm trong sản xuất, cách thức chế biến… giúp tổ viên vận dụng vào sản xuất, giúp tăng năng suất cây trồng. Việc bình xét cũng được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo quyền lợi của hộ dân và giữ vững sự đoàn kết, nghĩa tình trong khu phố.

Trăn trở về hiệu quả đồng vốn

Chia sẻ với chúng tôi, ông Uớc cho hay: “Được thực hiện nhiệm vụ do NHCSXH ủy nhiệm, bản thân tôi và các thành viên trong Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn rất tự hào vì đã góp phần vào việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người dân một cách nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giầu chính đáng”.

Trăn trở về việc quản lý nguồn vốn và phát huy hơn nữa tính hiệu quả của các chương trình tín dụng, từ thực tiễn tại khu 9, ông Ước kiến nghị Nhà nước tăng thêm nguồn vốn cho vay, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện hơn nữa đời sống và thoát nghèo bền vững. “Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng cho các hộ gia đình có từ 2 con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên như các hộ nghèo đang được vay hiện nay; đồng thời, nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ mức vay 4 triệu đồng như hiện nay lên 8 triệu đồng/công trình cho phù hợp với giá cả thị trường hiện nay” - ông Uớc kiến nghị.

H.T

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác