Phát triển nghề nuôi bò sữa ở Tân Hưng

16/07/2013
(VBSP News) Tổ hợp tác nuôi bò sữa Thịnh Vượng ở xã Tân Hưng, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đang là một điểm sáng về kinh nghiệm tổ chức sản xuất, sử dụng vốn vay ưu đãi có hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho người lao động và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách.
Tân Hưng (Châu Thành - Tiền Giang) phát triển chăn nuôi bò sữa

Tân Hưng (Châu Thành - Tiền Giang) phát triển chăn nuôi bò sữa

Ông Cao Thế Vận là người đi đầu trong việc thành lập Tổ hợp tác và hiện làm Tổ trưởng Tổ hợp tác Thịnh Vượng cho biết: 4 năm trước đây, Tổng Công ty sữa Sài Gòn triển khai chương trình hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho bà con trong xã mua 50 con bò giống. Đó là dịp may hiếm có để các gia đình có cơ hội sở hữu mỗi nhà một con bò gây dựng vốn liếng. Tuy nhiên giá 1 con bò sữa vào thời điểm ấy đến 20 triệu đồng, trong khi mỗi con chỉ được hỗ trợ có 7 triệu đồng, do vậy các hộ nông dân nghèo dù muốn tham gia chương trình phát triển nuôi bò sữa cũng không đủ khả năng kinh tế để mua con giống.

Trước thực trạng đó, chính quyền xã, Trung tâm khuyến nông của tỉnh và NHCSXH huyện đã mở cuộc họp bàn tìm biện pháp tháo gỡ. Phương án cuối cùng được các cấp, ngành thống nhất chỉ đạo, thực hiện là Hội Nông dân lập dự án, Trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, NHCSXH hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi mua bò về nuôi. Kể từ giữa năm 2009, Tổ hợp tác nuôi bò sữa Thịnh Vượng được hình thành với 30 thành viên, cùng số vốn vay ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm là 450 triệu đồng để chủ động mua bò giống về nuôi. Nhờ được tiếp sức kịp thời, đến nay, tổ hợp tác đã phát triển đàn bò lên 210 con, trong đó hơn 1 nửa số bò nuôi đang cho sữa. Riêng ông Tổ trưởng Cao Thế Vận đang sở hữu 20 con bò bao gồm 12 con đang cho vắt sữa và 8 con đang có chửa và đẻ. Các hộ khác trong tổ hợp tác đều được vay vốn ưu đãi kịp thời, sử dụng vốn vay chính sách cùng vốn hỗ trợ của Tổng Công ty sữa mua bò giống, đến nay bình quân mỗi hộ nuôi từ 5 - 10 con bò sữa. Chị Huỳnh Thị Nghĩa, ở ấp Cồng Lê phấn khởi nói: “Gia đình tôi đã sử dụng vốn vay của NHCSXH và vốn trợ giúp của chương trình phát triển nghề nuôi bò sữa, hiện có 8 con bò đang cho sữa, trung bình một tháng tôi thu khoảng 6 - 7 triệu đồng tiền lãi”. Còn ông Nguyễn Văn Mô, ở cùng ấp với chị Nghĩa, cho biết, nhờ vốn vay của NHCSXH, nhà ông đã mua được bò giống và chủ động nguồn thức ăn cho chăn nuôi, nay thoát cảnh nghèo và đang phấn đấu làm giàu từ nghề nuôi bò giống, bò sữa.

Ông Lê Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND xã Tân Hưng nhận xét: “Tổ hợp tác nuôi bò sữa hình thành rất tự nhiên, ban đầu là hộ nuôi bò thường gặp gỡ trao đổi về kinh nghiệm nuôi. Sau đó, họ được tham gia chương trình, được vay vốn ưu đãi và thực hiện lồng ghép việc sử dụng vốn vay cùng với kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, nhờ đó đàn bò phát triển nhanh, không bị bệnh. Hiện tổ hợp tác hoạt động khá nề nếp, mỗi tháng họp một lần để giúp đỡ nhau cùng phát triển nghề nghiệp. Đồng thời, nhắc nhở bà con trả nợ, nộp lãi ngân hàng đúng kỳ hạn, tích cực gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ hợp tác có cái hay nữa là đã thành lập Quỹ hùn vốn, hàng tháng mỗi thành viên tự nguyện góp 200 nghìn đồng vào quỹ và giao cho một thành viên trong tổ giữ, để chủ động có thêm vốn mua bò giống về nuôi hoặc máy vắt sữa. Từ nguồn vốn của quỹ và nguồn vốn của NHCSXH đã thực sự làm “bà đỡ” mát tay cho tổ hợp tác nuôi bò sữa Thịnh Vượng lớn mạnh toàn diện”.

Bài và ảnh Đặng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác