Ủy viên HĐQT NHCSXH, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế
Thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát theo Nghị quyết của HĐQT NHCSXH tỉnh, năm 2012 Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã thực hiện kiểm tra 9 lượt huyện, 19 lượt xã, 81 lượt Tổ tiết kiệm và vay vốn, 162 hộ vay vốn; Ban đại diện cấp huyện kiểm tra 125 lượt xã, 722 lượt tổ và 2.519 hộ. Sáu tháng đầu năm 2013, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã tiến hành kiểm tra 7 huyện, 47 lượt xã, 207 lượt tổ và 1.488 hộ. Qua kiểm tra, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong huy động nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng hỗ trợ khác.
Nhờ vậy, công tác huy động tiết kiệm đã được chỉ đạo triển khai rộng khắp, cuối năm 2012 số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 56,4 tỷ đồng, tăng 28,6 tỷ đồng so với năm 2011, đạt 87,8% kế hoạch. Sáu tháng đầu năm 2013 số dư huy động tiền gửi tiết kiệm đạt 56,521 tỷ đồng, tăng 134 triệu đồng so với đầu năm, đạt 84,76% kế hoạch năm. Trong năm 2012, tỉnh đã bổ sung từ nguồn ngân sách địa phương 18 tỷ đồng, ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay trong các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động… và 23 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác cho các chương trình này trong 6 tháng đầu năm 2013. Tổng dư nợ cho vay năm 2012 là 1.433 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 3,6% so với năm 2011; số hộ còn dư nợ là 101.195 hộ, nợ quá hạn chiếm 1,49%. Tổng dư nợ 6 tháng đầu năm 2013 là 1.442,064 tỷ đồng đạt 97% kế hoạch, dư nợ cho vay hộ cận nghèo đã thực hiện là 30 tỷ đồng, đạt 54,5% kế hoạch.
Về đề án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo để nâng cao hiệu quả công tác tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng như xử lý các vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước. Nhờ đó, tình hình nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng, nợ rủi ro và nợ xấu đã được giải quyết kịp thời, không gây ảnh hưởng lớn tới các chính sách cho vay cũng như nguồn vốn vay của tỉnh, năm 2011 tỷ lệ nợ quá hạn 3% đã giảm còn 1,49% cuối năm 2012.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong xử lý tình trạng nợ rủi ro, nợ quá hạn và nợ đối với vốn vay hỗ trợ học sinh, sinh viên của Chính phủ…
Tại buổi làm việc, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã kiến nghị một số vấn đề như: đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung cho UBND cấp xã tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện; gắn trách nhiệm của Trưởng thôn, bản, tổ dân phố trong việc quản lý vốn tín dụng ưu đãi; trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn trong việc xác nhận người vay đã chết, hoặc bị coi là chết, mất tích trong việc xử lý tình trạng nợ rủi ro; đề nghị quy định rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan (nhà trường, UBND cấp xã, đơn vị sử dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp) trong quy trình bình xét - cho vay - thu hồi nợ đối với trường hợp học sinh, sinh viên. Đề nghị Trung ương bổ sung, chỉnh sửa cơ chế xử lý nợ rủi ro phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như cơ chế khoanh nợ, xóa nợ đối với học sinh, sinh viên vay vốn đã ra trường nhưng chưa có việc làm, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn và đối với những khoản nợ thuộc chương trình xuất khẩu lao động về nước trước thời hạn, gia đình gặp khó khăn…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cũng như kết quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, qua kiểm tra thực tế ở huyện Nam Đông và từ kết quả trên cho thấy, chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là góp phần đẩy nhanh quá trình xóa nghèo ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp được tổ chức thường xuyên, theo kế hoạch đã nâng cao hiệu quả công tác tín dụng, cũng như kịp thời đưa ra các giải pháp để giảm tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu trong thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tập trung chỉ đạo việc thu hồi các vốn quá hạn, quan tâm huy động các nguồn vốn từ nhiều kênh, đồng thời triển khai tốt việc cho vay vốn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, phấn đấu tăng trưởng dư nợ cho vay đạt ít nhất 7% và giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới 1%. Để làm tốt nhiệm vụ này, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là sự vào cuộc hơn nữa của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn của các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong mỗi người dân và xã hội để triển khai, thực hiện các chính sách này một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, duy trì công tác giao ban để giải quyết kịp thời các vướng mắc, nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
CTV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Kinh tế đồi rừng thực sự hiệu quả
- » Làm giàu trên vùng đất mới
- » Vai trò các hội, đoàn thể trong công tác giảm nghèo
- » CCB xã Đak Krong phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
- » Gương CCB thoát nghèo
- » Giúp hội viên phát triển kinh tế
- » Điểm sáng Thạch Thành
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3, xã Quỳnh Xuân với việc cho vay HSSV
- » Phụ nữ Ninh Bình với công tác uỷ thác cho vay vốn
- » Làm giàu ở vùng Đồng Tháp Mười