Kinh tế đồi rừng thực sự hiệu quả
Là một huyện miền núi nhưng Yên Thế có nhiều đồi núi thấp, phần lớn đã được che phủ bằng cây lấy gỗ và cây ăn quả. Trong tổng diện tích tự nhiên hơn 30 nghìn ha, đất lâm nghiệp chiếm gần 50%; trong đất lâm nghiệp 70% diện tích là rừng kinh tế. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, thì hơn một thập kỷ qua, với phong trào người người trồng rừng, nhà nhà trồng rừng, núi đồi Yên Thế được phủ xanh bởi 2 loại cây trồng chủ lực là keo và bạch đàn. Nhiều nông dân nghèo, nhận đất lâm nghiệp, vay vốn NHCSXH, từng bước vượt khó, lập nên cơ nghiệp với những gia trại, trang trại rộng từ 2, 10, 15ha, có doanh thu hàng chục đến trăm triệu đồng/năm. Anh Vi Hải Quân ở bản Trại Nấm, xã Đồng Tiến là một trong rất nhiều những nông dân như vậy. Trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo, hiện nay có nhà gỗ lim khang trang, trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền có giá trị hàng trăm triệu đồng. “Tất cả những thứ đó đều từ trồng rừng kinh tế mà có” - anh Quân nói. Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, gia đình anh nhận 10ha đất lâm nghiệp, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Anh đầu tư trồng rừng. “Thực tế hơn 10 năm qua, không chỉ riêng gia đình tôi, mà cả Yên Thế những hộ trồng từ 10ha rừng kinh tế trở lên đều có mức thu từ 400 - 500 triệu đồng/chu kỳ (5 năm). Chúng tôi không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn làm giàu” - anh Quân khẳng định.
Trở lại với phạm vi toàn huyện, chỉ tính 5 năm gần đây, Yên Thế đã trồng mới được gần 5 nghìn ha rừng tập trung, đưa tổng diện tích rừng trồng lên trên 14 nghìn ha, nâng độ che phủ rừng đạt 43,5%, là huyện có độ che phủ rừng cao nhất Bắc Giang. Năm 2012 vừa qua, cùng với trồng mới gần 1.300ha rừng tập trung, Yên Thế khai thác trên 643 ha rừng trồng, với sản lượng trên 43.324m3 gỗ các loại, doanh thu trên 30 tỷ đồng.
Cùng với trồng rừng, từ năm 2006 đến nay, Yên Thế đã phát động mạnh mẽ phong trào chăn nuôi gà đồi giống địa phương dưới tán cây rừng, cây ăn quả. Cách làm này vừa tận dụng được đất đai, vừa hỗ trợ cho cây rừng, cây ăn quả phát triển lại cho thu nhập cao. Để giúp người dân nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Phú - Giám đốc NHCSXH huyện Yên Thế, cho biết: chỉ tính riêng trong năm 2012, ngân hàng đã cho các hộ nghèo và các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay gần 40 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng dư nợ cho vay hộ nghèo của huyện lên gần 106 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn lên gần 40 tỷ đồng. Nâng cao năng lực phục vụ, năm 2013 này tiếp tục mở rộng cho vay phát triển sản xuất, ông Phú dự kiến tổng nguồn vốn và dư nợ tăng từ 10 - 15% so với 2012 (248 tỷ đồng).
Theo ông Đinh Công Hưng - Chánh Văn phòng UBND huyện, chỉ trong một thời gian ngắn Yên Thế đã trở thành một trong những huyện có đàn gia cầm lớn nhất nước - trên 4 triệu con. Hiện nay, ở Yên Thế có trên 2 nghìn hộ chăn nuôi gà từ 1 nghìn con/lứa trở lên (1 lứa 3 tháng); cá biệt có nhiều hộ nuôi từ 5 nghìn - 7 nghìn con/lứa và nhiều lứa/năm. Nhờ phát triển mạnh mô hình nuôi gà đồi, bình quân hộ nông dân có thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm; cá biệt có nhiều hộ có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm ngày càng nhiều.
Do phong trào chăn nuôi gà đồi phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng quy mô tổng đàn bình quân từ 25 - 30%/năm, đã thúc đẩy nhiều loại hình dịch vụ liên quan phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn, hàng vạn người. Trên địa bàn huyện đã hình thành trên 500 tổ liên gia; trên 40 cơ sở chuyên tổ chức ấp nở và cung ứng con giống gà thương phẩm; trên 70 công ty với khoảng 150 đại lý chuyên cung cấp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, đã có 120 thương nhân (trên địa bàn huyện có 42 thương nhân, còn lại ở huyện khác, tỉnh khác) chuyên nghiệp, thường xuyên tổ chức các dịch vụ thu mua và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế đến các thị trường lớn trong cả nước, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, các khu công nghiệp lớn ở phía Bắc. Có thương nhân đã vận chuyển gà đồi Yên Thế vào TP. Đà Nẵng và ngược lên khu du lịch các tỉnh Hòa Bình, Sơn La để tiêu thụ.
Hiệu quả từ trồng rừng kinh tế, chăn nuôi gà đồi góp phần đưa nhiều nông dân Yên Thế thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2012 còn 16,4%, giảm 3% so với 2011 và sẽ tiếp tục giảm nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Làm giàu trên vùng đất mới
- » Vai trò các hội, đoàn thể trong công tác giảm nghèo
- » CCB xã Đak Krong phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
- » Gương CCB thoát nghèo
- » Giúp hội viên phát triển kinh tế
- » Điểm sáng Thạch Thành
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3, xã Quỳnh Xuân với việc cho vay HSSV
- » Phụ nữ Ninh Bình với công tác uỷ thác cho vay vốn
- » Làm giàu ở vùng Đồng Tháp Mười
- » Niềm vui đổi đời