Người nghèo ngoại thành với nguồn vốn vay ưu đãi

20/09/2013
(VBSP News) Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều xã, thị trấn có đất nông nghiệp bị thu hồi nên bài toán giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn của huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm. Thời gian qua, NHCSXH huyện Gia Lâm đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm... với số vốn ưu đãi đạt gần 130 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm cho khoảng 2.400 lao động địa phương.
Sản xuất đồ gốm ở xưởng anh Đào Văn Thịnh ở xóm 7 Tiền Phong - Kim Lan

Sản xuất đồ gốm ở xưởng anh Đào Văn Thịnh ở xóm 7 Tiền Phong - Kim Lan

Cùng cán bộ NHCSXH huyện Gia Lâm, chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất gốm của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyên ở xã Kim Lan. Chị Tuyên cho biết: qua thực tế nắm bắt tình hình khó khăn của gia đình trong việc chuyển đổi công nghệ từ lò nung than sang nung gas, NHCSXH đã cho vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Bằng số vốn vay này cùng với vốn tích cóp được, gia đình chị Tuyên đã đầu tư mô hình sản xuất gốm chất lượng cao bằng lò nung gas, không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương mà còn giải quyết việc làm cho 5 - 7 lao động tại chỗ. Chị Tuyên cho biết: năm 2012 và 2013, các hộ sản xuất làng nghề gặp muôn vàn khó khăn do hàng hóa tiêu thụ chậm so với mọi năm từ 30 - 40%, song nhờ sự tiếp sức kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nên xưởng của gia đình chị Tuyên vẫn giữ được nhịp độ sản xuất.

Tính đến 31/8/2013, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Gia Lâm đạt 130 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ của 3 chương trình cho vay ưu đãi lớn trên địa bàn huyện là giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo đạt 101,4 tỷ đồng. Trong đó, 46,4 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm với 177 dự án; cho vay hộ nghèo 42 tỷ đồng với 1.992 hộ vay vốn; cho vay hộ cận nghèo đạt trên 13 tỷ đồng với 437 hộ vay vốn.

Nguồn vốn giải quyết việc làm được NHCSXH cho vay kịp thời tới các hộ cần vốn. Hầu hết đồng vốn được đầu tư phát triển làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh dịch vụ. Các mô hình đó không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống các hộ gia đình vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH cùng với việc lồng ghép các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm kinh tế gia đình… đã không chỉ giúp các địa phương xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả mà còn giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kiến thức, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ… Với 248 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 7.000 hộ dân đang được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng ưu đãi, nợ quá hạn của huyện Gia Lâm luôn ở mức thấp, dưới 0,1%, có nhiều năm cuối kỳ không có nợ quá hạn. Tính đến 31/8/2013, nợ quá hạn chỉ có 7,5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng dư nợ. Điều đó đã chứng minh ý thức khách hàng vay vốn không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước cấp vốn như trước đây, mà hầu hết đều cố gắng tổ chức sản xuất, sử dụng vốn vay đúng mục đích và sử dụng vốn có hiệu quả, trả nợ đúng kỳ hạn.

Ông Đặng Văn Lâm - Giám đốc NHCSXH huyện Gia Lâm cho biết: Đơn vị đã tận dụng mọi nguồn vốn để giải ngân cho vay đến đối tượng cần vốn, triệt để sử dụng nguồn vốn, vì vậy hệ số sử dụng vốn không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn giảm. Các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH đã góp phần tích cực hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống cho người lao động; thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác