Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình làm việc tại tỉnh Lạng Sơn: CHO VAY NÔNG DÂN LÀ RẤT TIN TƯỞNG

23/09/2013
(VBSP News) Đó là quan điểm chỉ đạo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đối với ngành Ngân hàng trong buổi làm việc tại tỉnh Lạng Sơn ngày 20/9.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi làm việc

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi làm việc

Cung cấp đủ vốn cho người dân

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác NHNN với Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, ngày 20/9/2013, Thống đốc NHNN lưu ý, các Ngân hàng thương mại đang cấp tín dụng tại một số dự án lớn của tỉnh hiện nay: Nhà máy xi măng Đồng Bành, xi măng Lạng Sơn, các dự án thủy điện…) cần hết sức chia sẻ và sâu sát với doanh nghiệp để thực hiện tốt các dự án này. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn nên đưa xuống mức 10 - 11%/năm trong bối cảnh hiện nay là hợp lý. Để làm được việc này, Thống đốc chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh tập hợp tình hình của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn, đồng thời đề nghị Lãnh đạo các Ngân hàng thương mại Nhà nước nghiên cứu, chỉ đạo các chi nhánh của mình tái cơ cấu lại lãi suất về mức trên.

Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm, Thống đốc cho biết, tỷ giá sẽ ổn định từ nay đến hết năm; lãi suất cho vay chỉ có thể xuống; tăng trưởng tín dụng (TTTD) cũng sẽ được đẩy mạnh hơn… Và nếu TTTD của cả hệ thống đến cuối năm đạt được ở mức 10 - 12% sẽ góp phần giúp đảm bảo tăng trưởng GDP ở mức 5,3% - 5,5%. Cộng thêm lạm phát được kiềm chế xung quanh mức 7% và duy trì được các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định thì có thể nói về cơ bản các mục tiêu đề ra cho năm nay đã đạt được.

Giải đáp những kiến nghị về vấn đề mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch của các Ngân hàng thương mại tại địa bàn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, ở các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa như Lạng Sơn, NHNN lại rất khuyến khích mở thêm chi nhánh, mở thêm phòng giao dịch. “Với địa bàn Lạng Sơn, các Ngân hàng thương mại, đặc biệt các Ngân hàng thương mại Nhà nước nếu có nhu cầu mở thêm chi nhánh chúng tôi sẵn sàng”, Thống đốc nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Thống đốc cũng khuyến khích các Ngân hàng thương mại đã có chi nhánh ở đây mở rộng mạng lưới phòng giao dịch xuống các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, cần cân đối giữa việc mở rộng với khả năng kiểm soát và quản trị nội bộ. “Mở ra nhiều mà không kiểm soát thì rất nguy hiểm nhưng nếu khả năng kiểm soát có nhưng mà chúng ta chưa tích cực làm để giúp bà con tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng thì đó lại là thiếu sót”.

Thống đốc NHNN nhấn mạnh, với cơ cấu 80% dân số sống trong nông nghiệp và tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm 40% của Lạng Sơn hiện nay, các ngân hàng cần nghiên cứu cung cấp đủ vốn cho người dân. Theo báo cáo của NHNN tỉnh Lạng Sơn, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đến hết 31/8/2013 chiếm 24,5% tổng dư nợ, tăng 5,5% so với 31/12/2012. Đáng chú ý, nợ xấu chỉ chiếm 0,9% trong dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo: “Như vậy cho nông dân vay là rất tin tưởng. Đề nghị các NHTM mà nòng cốt là Ngân hàng thương mại Nhà nước cần làm tốt vấn đề này, đảm bảo người dân không thiếu vốn”. Cùng với đó, Thống đốc lưu ý NHCSXH cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương để đảm bảo những đối tượng nghèo thuộc diện chính sách và theo các quy định hiện nay được vay vốn một cách đầy đủ.

Nhiều nỗ lực đáng ghi nhận

Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngoài NHCSXH (10 Phòng giao dịch cấp huyện), Ngân hàng Phát triển còn có 8 chi nhánh, 21 Phòng giao dịch của các Ngân hàng thương mại đang hoạt động, gồm: Agribank; BIDV; VietinBank; MHB; Sacombank; Techcombank; LienVietPostBank và SHB. Dự kiến tới đây, Vietcombank sẽ mở 1 chi nhánh trên địa bàn tỉnh.

Là địa phương “cửa ngõ” biên giới và đầu cầu kinh tế quan trọng giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như giữa Trung Quốc với khu vực các nước ASEAN, nên những năm qua, kinh tế của Lạng Sơn luôn có tốc độ tăng trưởng khá cao. 9 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt khoảng 8,12%, thu ngân sách đạt trên 2.300 tỷ đồng và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. đạt trên 1,92 tỷ USD. Hiện cơ cấu kinh tế của Lạng Sơn là khá hợp lý, trong đó: nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 40%; thương mại dịch vụ khoảng 40% và công nghiệp, xây dựng khoảng 20%.

Trong thành quả chung rất đáng ghi nhận này, có phần đóng góp không nhỏ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Những tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Nguyễn Học Cường - Giám đốc NHNN tỉnh Lạng Sơn, tính đến 15/9, tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn đạt 9.833 tỷ đồng, tăng 10,1% so với 31/12/2012; trong đó: chủ yếu là huy động trên đồng (chiếm 98%).

Tổng dư nợ cho vay đạt 10.248 tỷ đồng, tăng 4,5% so với 31/12/2012, trong đó: dư nợ cho vay đối với các loại hình doanh nghiệp chiếm 51,5% tổng dư nợ. Đặc biệt, dư nợ cho vay với mức lãi suất từ 7% - 13%/năm chiếm tới 84,4% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như về thanh toán, quản lý ngoại hối, thanh tra giám sát, tiền tệ kho quỹ, công tác Quốc hội… đều được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, an toàn và hiệu quả.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Thống đốc NHNN cũng mong muốn Tỉnh ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện, chỉ đạo để ngành Ngân hàng đóng góp tích cực hơn nữa vào hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác NHNN, đồng chí Phùng Thanh Kiểm, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như chỉ đạo, quản lý tốt mạng lưới hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh nói riêng. Đồng thời, ông cũng kỳ vọng sự phối hợp của NHNN, các tổ chức tín dụng với tỉnh Lạng Sơn sẽ được tăng cường để xây dựng vùng cửa ngõ biên giới ngày càng phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Đỗ Lê - TBNH

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác