Cần sửa đổi Đề án 1956

28/09/2013
(VBSP News) Ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đã chủ trì buổi làm việc với các thành viên Ban chỉ đạo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (Đề án 1956) để thống nhất một số nội dung bổ sung, điều chỉnh trước khi trình Chính phủ.
Thành viên Ban chỉ đạo Đề án 1956

Thành viên Ban chỉ đạo Đề án 1956

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nghiêm Trọng Quý cho biết, sau 3 năm triển khai, Đề án 1956 đã không còn phù hợp, nhiều quy định gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện như: chưa quy định cụ thể thế nào là có việc làm và tỷ lệ có việc làm sau học nghề. Thêm vào đó, nhiều đề án có chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn lao động nông thôn dẫn đến chồng chéo trong thực hiện, không quản lý được số lao động nông thôn trên cùng một địa bàn…

Là thành viên của đề án, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bổ sung: người nông dân không thể thoát nghèo nếu không gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, đây cũng là điểm để doanh nghiệp nông nghiệp làm theo. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho người học; nên phát triển mô hình trang trại, dạy nghề làm sản phẩm chủ lực. Doanh nghiệp nông nghiệp phải tìm đầu ra. Bà con chỉ hưởng 10 - 15% giá trị mỗi sản phẩm, phần lớn rơi vào tay tư thương. Đây là điều vô lý, cần phải giảm bớt bằng những chính sách của đề án bổ sung lần này.

Còn ông Sơn Phước Hoan - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân vân, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên tập trung như thế nào? Nên rà soát nhu cầu cầu học nghề từ dân tộc thiểu số nghèo (khoảng 1 triệu hộ) nằm rải rác trên các vùng núi, vùng cao. Theo ông Hoan, nên gắn đào tạo nghề với địa bàn, đối tượng và tập huấn cho Trưởng nhóm để chính họ sẽ là người “cầm tay chỉ việc” cho nhóm học nghề khác. Ngoài ra, nguồn kinh phí đào tạo nghề cũng nên ưu tiên cho nhóm đối tượng học nghề xong có điều kiện phát huy kiến thức của mình, đồng thời có chính sách bao tiêu sản phẩm cho những nhóm lao động này.

Dưới góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc NHCSXH cho rằng, nhiều năm gắn bó với các chính sách ưu đãi cho bà con nông dân, ông vẫn có cảm giác “lạ” khi người nông dân cứ được mùa thì lại mất giá. Vì vậy, ông Lý đề nghị, lần sửa đổi này nên chú tâm đến chương trình học cho người nông dân phải nhẹ nhàng. Riêng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách phải nâng mức hỗ trợ cho họ. Lúc này cũng không nên nhìn theo kinh tế mà hãy nhìn góc độ xã hội thì mới thấy hiệu quả. Riêng chuyện cho vay vốn, ông Lý khẳng định NHCSXH luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, NHCSXH không thể ưu tiên cho tất cả đối tượng nghèo học nghề xong được vay vốn. “Vì vậy, những đối tượng nằm ngoài danh mục chính sách thì cần thêm sự vào cuộc của các ngân hàng khác”, ông Lý nói.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi nhận định: Tờ trình Chính phủ sửa đổi Đề án 1956 phải xác định tỷ lệ có việc làm của người lao động nông thôn sau khi tham gia học nghề để phù hợp với đặc điểm dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp; bổ sung làm rõ đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề bao gồm người lao động tại các xã và cả người lao động làm nông nghiệp tại các phường, thị trấn. Sửa đổi cụm từ “hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo” thành “hộ cận nghèo”; người bị thu hồi đất canh tác thành “người bị thu hồi đất nông nghiệp” để thống nhất các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Bên cạnh đó, điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn đối với lao động nông thôn là người thuộc hộ gia đình, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp quá thấp; hộ cận nghèo còn nhiều khó khăn nhưng chưa có chính sách hỗ trợ cho lao động nông thôn được học nghề lần 2 và 3 do UBND tỉnh quyết định. Quy định rõ nguồn vốn đầu tư phát triển là 970 tỷ đồng trong tổng số 3.905 tỷ đồng ban đầu. Đặc biệt, bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan thực hiện các chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn.

Bài và ảnh Nguyễn Công

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác