Bạc Liêu đồng hành cùng người dân phục hồi kinh tế sau đại dịch
Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, nguồn vốn vay ưu đãi tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Cùng với các chương trình tín dụng chính sách đã triển khai thường xuyên, năm 2021, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu còn thực hiện hiệu quả chính sách cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch. Qua đó, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước.
Vĩnh Lợi là huyện thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, nhu cầu được tiếp cận vốn chính sách của người dân trong huyện rất lớn. Để Nghị quyết 11/NQ-CP sớm được triển khai, góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, ngay khi tiếp nhận văn bản của NHCSXH tỉnh, UBND huyện Vĩnh Lợi khẩn trương họp dân ở cơ sở, bình xét từng đối tượng và hỗ trợ bà con hoàn thành các thủ tục.
Nhờ đó, Vĩnh Lợi là huyện đầu tiên của tỉnh giải ngân sớm nhất theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP. Chị Ong Kim Huệ ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi phấn khởi: “Nhờ được hỗ trợ vốn vay từ NHCSXH mà gia đình tôi mới có điều kiện đầu tư cho rẫy hoa màu của gia đình, từ đó có nguồn thu nhập ổn định cho đến nay. Qua đợt dịch vừa rồi ai ai cũng khó khăn hết, nhờ nguồn vốn được hỗ trợ kịp thời mà đời sống của bà con quê mình cũng đỡ phần vất vả”.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu, Trần Thị Thúy Hằng cho biết: Thực hiện Nghị quyết 11, chi nhánh được giao triển khai 5 chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023). Chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản để triển khai thực hiện, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về các gói tín dụng ưu đãi; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng. Qua rà soát, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh là trên 220 tỷ đồng. Với các chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch; cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và cho vay nhà ở xã hội.
Có thể nói, trong điều kiện nội lực của tỉnh, việc tự đảm bảo kinh phí để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ là điều hết sức khó khăn. Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành với những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, phù hợp đã mang đến nguồn lực hết sức quan trọng, kịp thời; tạo điều kiện để địa phương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Chí Linh
Các tin bài khác
- » Khởi động dự án nâng cấp phiên bản hệ thống Intellect Corebanking
- » Đắk Lắk giải ngân cho những món vay đầu tiên theo Nghị quyết 11/NQ-CP
- » Hà Nam hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó sau đại dịch COVID-19
- » Quảng Nam giải ngân cho vay chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- » Thanh Hoá khẩn trương giải ngân vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ
- » Lâm Đồng sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ người lao động
- » Quảng Ngãi tiếp sức người dân phục hồi sau đại dịch
- » Huyện Mộ Đức cho vay vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP
- » Huyện Châu Phú tiếp bước HSSV đến trường
- » Huyện Quế Võ cho người dân vay vốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội