Đẩy mạnh tín dụng chính sách cho giảm nghèo và an sinh xã hội

27/04/2022
(VBSP News) Trong những năm qua, mặc dù chịu sự ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, hoạt động và chất lượng tín dụng chính sách không ngừng phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, nhất là công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
image001

Nhờ vào vốn vay tín dụng chính sách, nông dân tỉnh Bạc Liêu có điều kiện phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo

Cả hệ thống chính trị tham gia

Với hơn 1.900 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 512 khóm, ấp và mạng lưới nhận ủy thác cho vay với 252 đầu mối của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, hoạt động tín dụng chính sách tại Bạc Liêu đã phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tham gia trong việc chăm lo đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng đã huy động được hàng chục nghìn người cùng tổ chức thực hiện, cùng tham gia kiểm tra, giám sát và quản lý vốn vay.

Mặt khác, thông qua các nội dung công khai về chính sách, công khai về nguồn vốn, dư nợ và các hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động tín dụng chính sách đã được xã hội hóa mạnh mẽ, nguồn lực đầu tư của Nhà nước được công khai, minh bạch. Song quan trọng hơn, với phương thức cho vay đặc thù, người vay vốn tự bình xét, tự quyết định cho nhau vay và cùng giám sát việc sử dụng vốn đã thể hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Với việc tổ chức thực hiện và phương thức cho vay trên đã khẳng định tín dụng chính sách xã hội là mô hình đặc thù, riêng có, đầy tính sáng tạo và ưu việt của Đảng, Nhà nước ta.

Có thể nói, nguồn vốn cho vay của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo đề nghị của Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh và đã được giải ngân nhanh, đúng quy trình, đúng đối tượng thụ hưởng. Đến tháng 3.2022, dư nợ cho vay đạt 2.376 tỷ đồng, tăng 30,5%. Công tác huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, người nghèo được quan tâm thực hiện tốt, nguồn vốn huy động tại địa phương đến tháng 3.2022 đạt 122 tỷ đồng, tăng 76 tỷ đồng.

Cùng với đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm và trích ngân sách 91 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với người nghèo, các đối tượng chính sách cũng như hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Không ngừng phát huy hiệu quả

Phải khẳng định rằng, việc đầu tư sử dụng vốn trong thời gian qua đã không ngừng phát huy hiệu quả và có những đóng góp tích cực vào công tác an sinh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Với 16 chương trình tín dụng, đến nay, đã có 83.858 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền trên 2.199 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân kịp thời 1.186 tỷ đồng giúp hơn 43.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có vốn để SXKD, góp phần giảm gần 8.000 hộ nghèo và đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 4,3% (đầu năm 2019) giảm xuống còn 0,37% vào cuối năm 2021.

image002

Người dân đến nhận vốn vay giải ngân tại Điểm giao dịch xã

Song song đó, chi nhánh còn giải ngân 317 tỷ đồng để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 11.000 lao động; cho hơn 10.300 hộ thuộc các xã vùng khó khăn vay trên 326 tỷ đồng để phục vụ việc SXKD; cho vay 256 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng trên 15.800 công trình nước sạch và trên 12.600 công trình vệ sinh ở khu vực nông thôn; giúp trên 1.800 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải một phần chi phí sinh hoạt và học tập; cho 488 hộ nghèo vay trên 12 tỷ đồng để xây nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ…

Tất cả những chương trình tín dụng chính sách đã và đang tạo nên động lực, tiền đề to lớn trong việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh cho nhân dân.

Bài và ảnh Tú Anh

Các tin bài khác