Hậu Giang sẽ triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NĐ-CP

22/04/2022
(VBSP News) Để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã nhanh chóng tập trung rà soát nhu cầu của đối tượng. Dự kiến các chương trình sẽ được thực hiện sớm nhất tới đây. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang, Nguyễn Thanh Triều (ảnh dưới).

SB3498 9-1

Phóng viên: Thưa ông, chi nhánh đang triển khai thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 như thế nào?
Trả lời: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Đây được xem là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, để Nghị quyết đi vào cuộc sống người dân thụ hưởng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã khẩn trương triển khai chỉ đạo với tinh thần chủ động, sẵn sàng thực hiện.
Theo kế hoạch, nguồn vốn cho vay, thuê mua nhà ở xã hội là 75 tỷ đồng.
Với chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã giao cho NHCSXH thực hiện 5 nhóm tín dụng chính sách xã hội như: Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 8/7/2015 và Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ (gọi tắt là cho vay giải quyết việc làm). Cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100 ngày 20/10/2015, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ (gọi tắt là cho vay nhà ở xã hội). Cho vay đối với HSSV để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Cho vay đối với các trường/cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch.
Phóng viên: Xin ông cho biết nhu cầu sử dụng vốn của các chương trình tín dụng như thế nào?
Trả lời: Thực hiện theo sự chỉ đạo Tổng Giám đốc NHCSXH, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai quán triệt và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành cùng phối hợp với NHCSXH tại địa phương. Trong đó rà soát, thống kê đối tượng được thụ hưởng, tổ chức thông tin và tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng một cách rộng rãi, để cho người dân dễ hiểu và nhận dạng được đầy đủ hơn về những nội dung tín dụng chính sách.
Chi nhánh đã phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát tổng hợp nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng từ 5 nhóm chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11. Trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch nguồn vốn của 2 năm và đề nghị Trung ương phân bổ.
Phóng viên: Thưa ông, với nguồn vốn được phân bổ thì có ưu tiên tập trung vào chương trình tín dụng nào?
Trả lời: Trong quá trình tổng hợp nguồn vốn, chi nhánh luôn bám sát theo định hướng của Tổng Giám đốc NHCSXH và của UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 3 chương trình có văn bản hướng dẫn cụ thể là chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay nhà ở xã hội và cho vay đối với HSSV để mua trang thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, do đó trước mắt chi nhánh tập trung vào 3 chương trình này.
Với sự ưu tiên tập trung vào 3 chương trình nêu trên, trước tiên là giúp cho người lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về quê do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nếu có nhu cầu ở lại địa phương mở rộng SXKD, giúp cho người lao động có vốn thực hiện theo phương án của mình. Thứ hai là trong thời gian qua dịch bệnh làm việc học tập của các em HSSV bị gián đoạn, khó đến trường học tập trung. Việc học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu đáp ứng ngay trong điều kiện này, bên cạnh đó so với thị trường ngày nay cùng với sự phát triển của công nghệ số nên các em HSSV cần phải có đủ điều kiện học tập.
Đối với nhóm tín dụng chính sách này đã giúp cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi các con em trong tuổi ăn học, là một trong những giải pháp cứu cánh tích cực trong môi trường giáo dục hiện nay. Thứ ba, đối với các thành phố, thị xã trực thuộc của tỉnh và toàn tỉnh nói chung về tiêu chí xây dựng nhà ở chưa đạt so với mật độ dân số về nhà ở, tỷ lệ đô thị hóa thấp nên có phần ảnh hưởng đến xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở của người dân thu nhập thấp, của cán bộ công chức, viên chức của tỉnh và người lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp còn rất cao.
Phóng viên: Thưa ông, làm thế nào để nguồn vốn tín dụng ngày càng phát huy hiệu quả?
Trả lời: Để nguồn vốn tín dụng chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 đạt hiệu quả cao nhất thì đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Tập trung nỗ lực ngay từ khâu thông tin tuyên truyền những nội dung chính sách để các đối tượng thụ hưởng nắm rõ những quyền lợi, nghĩa vụ và nhận biết được sự ưu đãi của Chính phủ đến người dân trong giai đoạn khó khăn, kéo nền kinh tế nước ta đi lên. Sự quyết tâm chỉ đạo từ các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, toàn thể cán bộ NHCSXH trên toàn quốc nói chung và tại tỉnh nói riêng luôn phấn đấu vì người nghèo và các đối tượng yếu thế, cam kết nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ Chính phủ đã giao.
NHCSXH luôn cần sự hỗ trợ, chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành cùng đồng hành thực hiện chương trình và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp trong việc bình xét đối tượng thụ hưởng phải thật sự công tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phối hợp với NHCSXH địa phương tổ chức giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng, nhanh nhất, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Chi nhánh đề nghị Trung ương phân bổ kế hoạch nguồn vốn của 2 năm để thực hiện cho vay theo Nghị quyết 11 là 589,6 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu năm 2022 là 307,3 tỷ đồng; năm 2023 là 282,2 tỷ đồng, dự kiến sẽ triển khai cho vay sớm nhất.
Thông qua 5 nhóm chương trình cho vay như cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội là 75 tỷ đồng; cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 206,8 tỷ đồng; cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 hơn 12,7 tỷ đồng; cho vay đối với HSSV để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập hơn 11,2 tỷ đồng và cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập hơn 1,5 tỷ đồng.
Xin cảm ơn ông!

Trần Xoàn

Các tin bài khác