Lao động hồi hương và “bài toán” việc làm (Bài 1 - Thời cơ cho doanh nghiệp và nỗi lo của địa phương)

26/11/2021
(VBSP News) Theo dự báo, dù dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng các mục tiêu phát triển vẫn phải thực hiện, trong đó dù biết rằng rất khó khăn nhưng tính toán giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trở lại quê nhà sau nhiều năm ly nông, ly hương là chuyện phải bàn, phải làm để góp phần giải quyết bài toán trong trụ cột an sinh.
hoi huong1

Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động, đây là cơ hội để người lao động sớm tìm được việc làm

Cơ hội cho doanh nghiệp
Hàng chục ngàn lao động hồi hương, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, đây là thời cơ thuận lợi giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, sau câu chuyện lao động hồi hương cũng đặt ra nhiều nỗi lo cho địa phương.
Thời gian qua, số lao động từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trở về Hậu Giang ngày một gia tăng, sau thời gian hoàn thành cách ly thì vấn đề giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho lao động hồi hương là việc hết sức cấp thiết. Mặt khác, các doanh nghiệp bước vào thời kỳ phục hồi, đẩy mạnh sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng cao.
Để cung ứng lao động cho doanh nghiệp cũng như nắm bắt nhu cầu tìm việc của người lao động, Sở LĐTB&XH đã gửi văn bản đến 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có số lượng lao động từ 50 người trở lên đề nghị doanh nghiệp thông tin về nhu cầu tuyển dụng để hỗ trợ giới thiệu lao động cho doanh nghiệp. Qua thông tin phản hồi có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất như: Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang cần tuyển thêm 2.000 lao động, Công ty TNHH Unipax cần tuyển trên 1.000 lao động, Công ty Cổ phần may Nhà Bè - Hậu Giang tuyển 500 lao động, Công ty TNHH MTV SXTM&DVXK Minh Dũng tuyển 450 lao động, Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex tuyển 200 lao động… Các doanh nghiệp cũng đưa ra mức lương phù hợp tùy vào vị trí việc làm và đi kèm với các chế độ phúc lợi, chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể nhằm tăng thu nhập, giảm chi phí cho người lao động, góp phần ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà không phải tha phương mưu sinh.
Theo ông Bùi Đông Thiên - Giám đốc Công ty TNHH Jia Zhi (thành phố Vị Thanh), sau thời gian tạm dừng hoạt động do tỉnh thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, ngày 14.9 công ty hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số lượng công nhân chỉ có 645 người, trong tổng số khoảng 1.400 công nhân. Công ty đã xây dựng phương án hoạt động gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian tới, công ty dự kiến mở rộng hoạt động, xây thêm nhà xưởng, do đó, cần tuyển 1.500 lao động. “Hiện nay, lao động từ các tỉnh, thành phố trở về tỉnh và các tỉnh lân cận rất nhiều, trong số lao động này có nhiều người đã từng làm trong các công ty, xí nghiệp, nhà máy cho nên đây sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động có tay nghề. Với những lao động chưa có tay nghề được tuyển dụng chúng tôi sẽ hướng dẫn, đào tạo lại. Đặc biệt, công ty ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương và lao động có tay nghề”, ông Thiên nhấn mạnh.
Để đảm bảo hoạt động, Công ty TNHH MTV Bách Mỹ Nội y cũng ở thành phố Vị Thanh, cần tuyển thêm 150 lao động phổ thông. Chị Trương Thị Huyền Trang, Phòng nhân sự Công ty TNHH MTV Bách Mỹ Nội y, cho biết: “Người lao động trúng tuyển sẽ được hưởng mức lương từ 4,5 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra được tham gia bảo hiểm và các chế độ khác như hỗ trợ xăng xe, thưởng chuyên cần… Với những lao động từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về địa phương, công ty vẫn tuyển dụng nhưng phải đảm bảo thời gian cách ly và theo dõi sức khỏe đúng quy định. Lao động khi vào công ty làm nếu chưa có tay nghề sẽ được công ty đào tạo lại”.
Người lao động cần việc, doanh nghiệp cần lao động, vấn đề làm sao để người lao động và doanh nghiệp gặp nhau. Trước thực tế trên, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã làm cầu nối tận dụng tối đa nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp. “Qua rà soát dữ liệu cung lao động năm 2020, toàn tỉnh có trên 40.000 lao động từ 18 đến 35 tuổi không có hoạt động kinh tế, cộng thêm hàng ngàn lao động trở về từ các tỉnh, thành phố sẽ là thời cơ giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề, có kinh nghiệm, đáp ứng dây chuyền sản xuất”, ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết.
Cũng theo ông Bình, việc chủ động rà soát, kết nối cung - cầu lao động là cách làm linh hoạt, đi trước đón đầu của các ngành chức năng trong việc tận dụng nguồn nhân lực, giữ chân người lao động của địa phương, góp phần giữ vững ổn định xã hội và đảm bảo phòng, chống dịch.
Cần có tầm nhìn xa hơn
Nếu như người lao động hồi hương với tâm lý “cứ về nhà đã, mọi việc tính sau” thì đối với chính quyền các cấp, yêu cầu đặt ra là cần có tầm nhìn xa hơn, tính toán đến các kế hoạch cụ thể để xử lý các vấn đề đặt ra khi tiếp nhận người lao động trở về. Đó là số công dân hồi hương này sẽ làm việc gì, thu nhập ra sao, con cái học hành như thế nào.
Từ đầu tháng 10 đến nay, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ có hàng trăm người dân từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương, trong đó gần 400 người là lao động, còn lại là người già, trẻ em. Là xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống và có tỷ lệ hộ nghèo cao, với số lượng lao động hồi hương như thế này cũng là áp lực với chính quyền địa phương, bởi đa phần những người hồi hương là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Huỳnh Hoàng Đệ - Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, do đa số người dân đi làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh nhiều năm nên nhà cửa hư hỏng, vì vậy, trong đợt trở về lần này một số người không còn nhà ở, phải ở tạm nhà người thân. Với lại, địa phương cũng không có công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nên việc giải quyết việc làm tại chỗ cũng là vấn đề khó. “Với những người đã hoàn thành thời gian cách ly trở về địa phương, chúng tôi vận động xã hội hóa để hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để giúp đỡ bà con trong lúc khó khăn này. Qua nắm thông tin ban đầu, một số hộ sẽ tiếp tục trở lại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tìm việc, còn một số hộ quyết định ở lại quê nhà. Để góp phần đảm bảo an sinh, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng để giải quyết vấn đề việc làm, giúp bà con ổn định cuộc sống tại quê nhà”, ông Đệ cho biết.
Với trên 5.000 người dân từ các tỉnh, thành phố trở về cũng đặt ra nhiều nỗi lo trong việc tạo công ăn việc làm và đảm bảo sinh kế cho người dân đối với cấp ủy, chính quyền huyện Phụng Hiệp. Ông Trần Không Dận - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết: Xác định nhiệm vụ tạo sinh kế, tìm kiếm việc làm cho người lao động là nhiệm vụ cấp thiết, để thực hiện được điều đó UBND huyện đã xác định các giải pháp để tạo sinh kế cho lao động hồi hương và thúc đẩy phát triển kinh tế. Với những người ở lại quê thì chúng tôi phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để tạo việc làm cho người dân. Địa phương sẽ tập trung vào chính sách cho vay vốn phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề. Về lâu dài lao động hồi hương cũng là nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế phát triển.
Còn bà Trần Hoa Phượng - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Vị Thanh, cho rằng: Ngoài giải quyết việc làm, giúp lao động hồi hương có nguồn thu nhập, thì vấn đề nhà ở, chuyện học hành của con em người dân hồi hương cũng là vấn đề được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, để mọi người yên tâm an cư lạc nghiệp…
Rõ ràng trước vấn đề này, đòi hỏi ngành chức năng phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ, để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Có như vậy họ yên tâm ở lại quê nhà lập nghiệp, không phải bôn ba, vất vả tìm việc nơi tỉnh bạn khi dịch bệnh đã được kiểm soát…

Bài và ảnh Bích Châu

Các tin bài khác