Tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi khắc phục khó khăn do dịch COVID-19

19/11/2021
(VBSP News) Tính từ ngày 27.4.2021 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận hơn 137.000 lượt công dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương. Cùng với chính quyền các cấp nỗ lực giải bài toán kế sinh nhai, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đang triển khai chương trình vốn vay ưu đãi ưu tiên cho người dân từ vùng dịch về quê nhằm giúp bà con khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
vay-von-171120212

Nhờ vốn vay ưu đãi cho lao động hồi hương, ông Tăng Ngọc Thịnh đầu tư mua 3 con bò để chăn nuôi

Ông Tăng Ngọc Thịnh, sinh năm 1961, ở thôn 6, xã Cư Kty, huyện Krông Bông cùng vợ vào tỉnh Bình Dương làm lao động tự do từ đầu năm 2020. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến công việc thất thường, thu nhập bấp bênh, tháng 6/2021, vợ chồng ông về lại xã Cư Kty sinh sống. Được Tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương giới thiệu về chính sách cho người dân vay vốn với lãi suất thấp, ông làm hồ sơ vay 50 triệu đồng. Chỉ sau 4 ngày làm hồ sơ, ngày 23.10 vừa qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông giải ngân cho vợ chồng ông vay để đầu tư chăn nuôi bò.
Ông Thịnh tâm sự: Vợ chồng ông lam lũ vì mong muốn nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn. Khi con trai út đi học đại học ở TP Hồ Chí Minh, vợ chồng ông khăn gói đi theo để làm lụng, lo cho con. Nay tuổi đã cao, dịch bệnh phức tạp nên ông quyết định về nhà. Được Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng, vợ chồng ông đã mua 3 con bò để tạo nguồn sinh kế. Ông Thịnh hy vọng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng có nhiều chính sách cho các hộ dân từ vùng dịch về quê được vay ưu đãi để vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch.
Chị Võ Thị Phúc, sinh năm 1981, ở thôn Quảng Đông, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông vì cuộc sống mưu sinh nên cùng con trai lớn vào tỉnh Bình Dương làm công nhân từ 3 năm trước. Dịch phức tạp nên từ tháng 8.2020, mẹ con chị Phúc về lại huyện Krông Bông sinh sống. Nhờ chắt chiu, chị Phúc đã làm được căn nhà tuy nhỏ nhưng đủ kiên cố để ba mẹ con có chỗ “che nắng che mưa”. Tuy nhiên, cuộc sống của mẹ con chị Phúc còn khó khăn khi nương rẫy không có, công việc làm thuê không ổn định. Chị đã làm hồ sơ đề nghị được vay 50 triệu đồng từ chính sách ưu đãi của NHCSXH để có vốn tạo kế sinh nhai.
Chị Phúc cho biết: Nguyện vọng của mẹ con chị là ở lại địa phương làm ăn, nương tựa nhau sinh sống và gần gũi con trai út, cố gắng làm lụng kiếm tiền chữa bệnh cho con trai lớn. Được vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng, chị Phúc rất vui. Đặc biệt, Tổ tiết kiệm và vay vốn đã nhiệt tình hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn, động viên mẹ con chị cố gắng nên chị cảm thấy được chia sẻ rất nhiều. Được vay vốn, chị Phúc càng quyết tâm đầu tư chăn nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình.
Krông Bông là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, DTTS chiếm gần 40% dân số toàn huyện. Là huyện nông nghiệp, cơ hội tìm kiếm việc làm không nhiều nên Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông đã chú trọng tạo điều kiện cho người dân từ vùng dịch về quê vay vốn, tạo sinh kế, ổn định cuộc sống gia đình.

vay-von-1711202122

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông tìm hiểu nhu cầu vay vốn ưu đãi của người lao động từ vùng dịch về

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông Nguyễn Xuân Điền cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 5.600 người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương. Phòng giao dịch đã giải ngân cho 3 hộ có lao động từ vùng dịch vê quê vay vốn, số tiền 150 triệu đồng; đồng thời đã duyệt hồ sơ, sẽ giải ngân cho 20 gia đình có lao động hồi hương vay với số tiền khoảng 1 tỉ đồng. Quan điểm của đơn vị là không để vốn tồn đọng, vốn về tới đâu thì giải ngân cho bà con vay đến đó.
Để nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã phân công cán bộ tín dụng phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, nắm tình hình khó khăn và nhu cầu của người dân. Đồng thời, đề xuất với NHCSXH Trung ương bổ sung nguồn vốn 19 tỉ đồng để cùng với nguồn vốn thu hồi của đơn vị tạo điều kiện cho lao động vay vốn phát triển kinh tế. Mức cho vay lên đến 100 triệu đồng, thời hạn vay 120 tháng và người dân không cần thế chấp tài sản khi vay, lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo (7,92%/năm).
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tử Ân cho biết: Đối với lao động có hoàn cảnh khó khăn, nếu đã vay vốn, đơn vị sẽ gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung để bà con có vốn sản xuất. Tuy nhiên, người dân hồi hương cần tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, có phương án làm ăn cụ thể thì sẽ được hướng dẫn thủ tục vay, cách sử dụng vốn vay mang lại hiệu quả. Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ tín dụng và tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, buôn, cấp xã sẽ hướng dẫn người dân kỹ thuật, phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Ngoài ra, từ đầu năm đến hết tháng 10.2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực giải ngân cho 36.000 lượt người, hộ gia đình được vay vốn chính sách với số tiền đã giải ngân hơn 1.300 tỉ đồng. Cùng với các giải pháp về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, việc tạo điều kiện cho lao động trở về quê hương vay vốn ở tỉnh Đắk Lắk sẽ góp phần tạo sinh kế bền vững, giúp người dân có “cần câu” và động lực làm giàu trên chính quê hương.

Bài và ảnh Hoài Thu /TTXVN

Các tin bài khác