Hiệu quả tín dụng ưu đãi tại vùng đồng bào DTTS

19/11/2021
(VBSP News) Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bù Đốp (Bình Phước) thật sự là “cầu nối” giữa cấp ủy chính quyền các địa phương với quần chúng nhân dân, đặc biệt là với đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
bu dop

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bù Đốp luôn gần dân, sát dân, giúp các hộ vay sử dụng vốn hiệu quả

Rời tỉnh miền núi Cao Bằng vào huyện Bù Đốp lập nghiệp từ những năm 1990, gia đình ông Liêu Văn Kỳ, sinh năm 1961, dân tộc Tày, ở ấp 5, xã Thanh Hòa gặp nhiều khó khăn nơi đất khách quê người. Công việc hàng ngày của gia đình ông Kỳ là làm thuê, làm mướn để kiếm sống nên cái nghèo vẫn đeo đẳng nhiều năm. Tuy nhiên, cơ hội “đổi đời” với gia đình ông Kỳ đã đến khi nguồn vốn tín dụng ưu đãi được phủ xuống các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của huyện Bù Đốp. Đầu năm 2016, được sự giới thiệu của tổ chức hội chính trị - xã hội và chính quyền địa phương, ông Kỳ được vay vốn Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bù Đốp 45 triệu đồng. Có chút kinh nghiệm nuôi trâu hồi còn ngoài Bắc, gia đình ông Kỳ đã đầu tư nuôi trâu sinh sản, số vốn còn lại để chăm sóc vườn điều.
Đến nay, gia đình ông đã có 5 con trâu sinh sản và có hơn 2,8ha điều đang thu hoạch. Hàng năm, gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng để trang trải chi phí và nuôi cho con ăn học. Ngôi nhà lá lụp xụp ngày nào, nay cũng đã được ông thay bằng ngôi nhà kiên cố, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Gia đình ông Kỳ không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả tại địa phương. Về việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, ông Kỳ cũng đánh giá việc nâng cao năng lực phục vụ người dân của NHCSXH.
Tại huyện Bù Đốp, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tổ chức hoạt động giao dịch tại các xã, thị trấn với 7 Điểm giao dịch xã, nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng ưu đãi, tiết giảm chi phí, cùng với đó là tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách. Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bù Đốp đã thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ trên 245 tỉ đồng, có gần 8.000 hộ vay vốn. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã đến 100% các xã, thị trấn trong toàn huyện, đã giúp cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác (trong đó có đồng bào DTTS) đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững đảm bảo an ninh, chính trị tại địa phương.
Việc đáp ứng nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS của NHCSXH góp phần không nhỏ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho hộ dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng phát triển.
Các tổ chức chính trị - xã hội huyện Bù Đốp đề nghị Chính phủ, NHCSXH tiếp tục ưu tiên mở rộng cho vay đến các hộ DTTS có mức sống trung bình để họ vươn lên làm giàu, nêu gương cho cộng đồng DTTS. Chính quyền địa phương các cấp, các ngành cần gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách này vào mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; cần thực hiện tốt các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân yên tâm sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa. NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tăng cường phối hợp chỉ đạo, kiểm tra giám sát tại các địa phương, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp xử lý phù hợp; hướng dẫn hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.

Bài và ảnh Văn Chung

Các tin bài khác