Vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cho người lao động
Qua hơn 6 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện lại càng phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội; trong đó có hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Do đó, việc quan tâm chuyển vốn từ ngân sách huyện sang NHCSXH đã giúp cho nhiều hộ dân được vay vốn để đầu tư sản xuất, giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Điển hình trong đó là hộ ông Lê Thanh Vẹn ở ấp 5B, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách. Ông Vẹn cho biết: “Gia đình tôi được vay vốn NHCSXH chương trình giải quyết việc làm với số tiền vay 50 triệu đồng, mục đích để cải tạo, chăm sóc vườn sầu riêng, hiện nay thu nhập bình quân là 150 triệu đồng/năm”.
Cũng là hộ được vay theo chương trình giải quyết việc làm, gia đình ông Trần Hùng Ngự - hội viên CCB ấp An Phú, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách sử dụng 50 triệu đồng vốn vay để cải tạo, chăm sóc vườn nhãn và hiện nay đã cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm.
Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, các hộ gia đình có thêm nguồn vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây ăn trái. Đây là vốn vay ưu đãi rất phù hợp với người dân vì thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại. Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách Lê Hoàng Phong cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH cho vay trong năm 2020 là 600 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Tiếp tục trong năm 2021, nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH là 900 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao. Từ khi có Chỉ thị số 40, huyện đã chuyển sang NHCSXH 2,5 tỉ đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH đạt trên 3 tỉ đồng.
Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách Nguyễn Chí Cường cho biết: Bên cạnh nguồn vốn cân đối chuyển từ Trung ương, Phòng giao dịch còn tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động có nhu cầu vay vốn.
Phòng giao dịch đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để trồng trọt, chăn nuôi, làm kinh tế hộ, giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện từ đầu năm 2021 đến nay đạt trên 365 tỉ đồng, tăng trưởng đạt 8,19%; dư nợ bình quân hơn 1 tỉ đồng/Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ bình quân trên 22 triệu đồng/khách hàng, với tổng số 16.225 khách hàng còn dư nợ.
Để thúc đẩy SXKD, đẩy lùi nạn tín dụng đen tại các địa phương, thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40. Đặc biệt, trọng tâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch tại xã…
CTV
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới ở Phú Thiện
- » Làm kinh tế giỏi từ nguồn vốn vay NHCSXH
- » Sóc Trăng cho người sử dụng lao động vay trả lương phục hồi sản xuất
- » Vốn tín dụng chính sách giúp nông dân làm giàu
- » Kỳ Sơn hưởng ứng tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021
- » Phát động tháng cao điểm ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”
- » Dòng vốn chuyển đổi nghề giúp người lao động vượt qua khó khăn do COVID-19
- » Nông dân Nghi Lộc vươn lên làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp - Chính sách thiết thực
- » Chính phủ Australia trao tặng Kỷ niệm chương “Hợp tác đối tác” cho NHCSXH