Dấu ấn vốn chính sách trong giảm nghèo bền vững ở Sóc Trăng

18/03/2021
(VBSP News) Thực hiện Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 và chỉ đạo của NHCSXH TW, với những quyết tâm chính trị cao từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành, hoạt động tín dụng chính sách tại tỉnh Sóc Trăng đã có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã có nhiều điểm sáng về hiệu quả và chất lượng tín dụng nâng lên như: Thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, Kế Sách, Cù Lao Dung... Phần lớn các huyện, thị xã không còn Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu, kém.
von_chinh_sach_rlif

Gia đình anh Nguyễn Văn Thủy ở xã Vĩnh Hiệp, TX Vĩnh Châu vay vốn ưu đãi để mở rộng ao nuôi tôm, mỗi năm thu hoạch hàng tấn tôm thương phẩm

Sóc Trăng là tỉnh có nhiều xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo với hơn 35% dân số là người DTTS. Ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh là nông nghiệp và thủy sản. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược, tổng doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đạt 6.509 tỷ đồng, với 359.846 lượt hộ vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 4.076 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 30/11/2020 là 3.681 tỷ đồng, tăng 2.342 tỷ đồng (175%) so với cuối năm 2010, với 151.157 hộ còn dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 68.053 hộ nghèo; 49.923 hộ cận nghèo; 56.584 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; giúp 26.117 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; tạo việc làm cho 21.929 người lao động, giúp cho 345 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Diện mạo nông thôn cũng có nhiều thay đổi, với 96.344 công trình nước sạch và công trình vệ sinh nông thôn được xây dựng, 17.570 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác,…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng khẳng định: Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2010 là 24,31% đến năm 2015 giảm còn 8,88%, giảm 15,43%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều: Năm 2015 là 17,89% đến năm 2020 giảm còn 2,67%, giảm 15,22%. Hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới 2 huyện: Mỹ Xuyên và thị xã Ngã Năm với 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đạt được kết quả nêu trên là do có sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát của HĐQT NHCSXH, sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Giám đốc NHCSXH trong việc triển khai thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại 4 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, đặc biệt là việc bố trí tăng cường lực lượng cán bộ xuất sắc thuộc NHCSXH về trực tiếp hỗ trợ tại địa phương.
Kết quả trên còn có sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan mà chủ chốt là 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Kết quả này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả cao của việc thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng tại tỉnh Sóc Trăng, đây là giải pháp quyết định làm thay đổi tích cực chất lượng, hiệu quả đầu tư cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Sóc Trăng đến nay tuy đã có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực song vẫn còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn quốc. Hiện tại chất lượng tín dụng chưa thật sự bền vững, chưa đồng đều giữa các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xuyên suốt là thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Sóc Trăng xác định, tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng NHCSXH để tổ chức hoạt động tín dụng chính sách xã hội đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả, phục vụ thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là trong tình hình hiện nay để giúp người dân khắc phục khó khăn do thiệt hại xâm nhập mặn và đại dịch Covid-19 tại địa phương.
Cùng với việc thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Ban đại diện HĐQT NHCSXH Sóc Trăng tiếp tục chỉ đạo phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống.

Bài và ảnh Trương Việt

Các tin bài khác