Quyết định nhân văn hóa giải vòng luẩn quẩn “thoát nghèo - tái nghèo”
Theo Quyết định số 28 (ban hành năm 2015), chương trình này kết thúc vào ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vốn bức thiết của người dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg cho phép NHCSXH giải ngân vốn với hộ mới thoát nghèo từ ngày 30/3/2021. Đây là tin vui lớn đối với rất nhiều hộ mới thoát nghèo trên cả nước.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên Hồ Văn Thục cho biết: Sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo cùng với việc phải trả hết vốn vay, hộ mới thoát nghèo thường cần vốn để duy trì SXKD để không tái nghèo. Tuy nhiên, đa số những hộ này chưa đáp ứng được các điều kiện để có thể vay vốn từ ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá cả thị trường không ổn định, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, họ rất dễ tái nghèo. Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai chương trình này là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ của hộ vay khi đến hạn, tránh tình trạng hộ thoát nghèo lại tái nghèo.
Từ khi có Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg, NHCSXH tỉnh Phú Yên đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, triển khai đến người dân trong tỉnh. Đồng thời rà soát nhu cầu vay vốn của hộ dân, bảo đảm giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Theo NHCSXH tỉnh Gia Lai, đến ngày 31/12/2020 (mốc kết thúc thời hạn giải ngân chương trình theo Quyết định số 28), doanh số cho vay chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đạt 312 tỷ đồng với 7.908 lượt hộ vay vốn. Đây là chương trình cho vay quy mô lớn thứ 2 sau chương trình cho vay hộ cận nghèo.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí cho biết: Trước đây, hộ mới thoát nghèo muốn vay vốn nhưng khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng của Nhà nước để duy trì hoạt động SXKD. Vì vậy, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ đã đáp ứng nguyện vọng của bà con, nhất là các hộ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Tại tỉnh Bến Tre, trong triển khai chính sách mới này, nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo đã được NHCSXH tỉnh giao về UBND cấp xã.
Với chủ trương không để hộ mới thoát nghèo nào thiếu vốn SXKD, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Trưởng ấp, khu phố, Tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp cận hộ mới thoát nghèo, rà soát nhu cầu vay vốn, hỗ trợ xây dựng dự án, sinh kế, tiến hành bình xét cho vay và hoàn thiện hồ sơ vay vốn để bắt đầu giải ngân trong tháng 4/2021.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay tối đa của chương trình là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 8,25%/năm. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ SXKD và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm.
Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg (2015 - 2020), đã có trên 1,4 triệu lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với doanh số cho vay đạt gần 62.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tập trung cho vay hộ mới thoát nghèo là hộ đồng bào DTTS, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Như vậy có thể thấy chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 02 của Thủ tướng Chính phủ sẽ giải quyết triệt để vòng luẩn quẩn “nghèo - vay vốn - thoát nghèo - trả vốn - tái nghèo”, phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của của người nghèo, đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác trên cả nước.
Thanh Xuân
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Bạc Liêu
- » Giảm nghèo bền vững từ thực tiễn ở Quảng Bình
- » Nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Có vốn đầu tư nuôi trâu, người Mông vượt "đá" vươn lên
- » Tín dụng chính sách giúp người dân Nghĩa Lộ giảm nghèo bền vững
- » Giúp hộ nghèo ở Văn Quan “an cư lạc nghiệp”
- » Hiệu quả chương trình cho vay NS&VSMTNT ở tỉnh Nghệ An
- » Vượt lên đói nghèo nhờ điểm tựa vốn chính sách
- » Vĩnh Phúc khơi thông nguồn vốn vay cho người nghèo
- » Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025