Tiếp tục triển khai chương trình tín dụng chính sách đối với hộ mới thoát nghèo

23/02/2021
(VBSP News) Sau 5 năm cho vay hộ mới thoát nghèo, đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã có hàng nghìn lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
ninh binh

Hộ mới thoát nghèo tỉnh Ninh Bình nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Từ hiệu quả chương trình mang lại, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, kể từ ngày 30/3/2021, NHCSXH sẽ tiếp tục thực hiện giải ngân chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến hết 31/12/2020 như quy định cũ. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết triệt để tình trạng luẩn quẩn thoát nghèo rồi tái nghèo trở lại.
Trước đây, gia đình ông Đỗ Văn Năm ở tổ dân phố Yên Thổ, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô là hộ nghèo, kinh tế vô cùng khó khăn. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình ông đã thoát nghèo, đồng thời trả nợ lãi, gốc ngân hàng đúng hạn. Tuy nhiên, khi mới ra khỏi danh sách hộ nghèo vào năm 2017, nguy cơ tái nghèo của gia đình ông Năm rất cao do không có vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét và NHCSXH huyện tạo điều kiện, năm 2019, ông tiếp tục vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Có vốn, ông mạnh dạn đào ao thả cá, chăn nuôi vịt đẻ và lợn thương phẩm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học tập kinh nghiệm sản xuất, sau hơn 1 năm đồng vốn bắt đầu phát huy hiệu quả, giúp đời sống gia đình ông dần ổn định, đạt mức thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. “Nhờ có nguồn vốn vay của NHCSXH mà gia đình tôi đã thoát được nghèo. Hy vọng trong thời gian tới, khi nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo phát huy hiệu quả tối đa, gia đình tôi sẽ thoát nghèo bền vững, dần trở thành hộ khá”, ông Năm chia sẻ.
Cũng ở tổ dân phố Yên Thổ, nhiều năm liền là hộ cận nghèo, gia đình bà Trần Thị Ảnh luôn ấp ủ có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2014 đến năm 2016, gia đình bà được vay 80 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ số vốn vay đó, bà đầu tư chăn nuôi lợn thương phẩm và thoát cận nghèo năm 2017, trở thành hộ mới thoát nghèo. Nhưng với quyết tâm làm giàu nên sau khi trả hết nợ vay cũ, bà ảnh tiếp tục vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo số tiền 100 triệu đồng đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn vốn chủ yếu dùng để kiên cố chuồng trại và mua thêm giống trâu, bò sinh sản về nuôi. Đến nay, gia đình bà thường xuyên có 5 -6 con trâu, bò, mỗi năm xuất bán từ 1 - 2 con bê hoặc nghé, thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đạt gần 50 triệu đồng.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Cường cho biết: Thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh có gần 13.880 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư phát triển SXKD với tổng doanh số cho vay trên 639 tỷ đồng, dư nợ đến nay còn trên 385 tỷ đồng. Nguồn vốn tập trung ưu tiên đầu tư cho hộ mới thoát nghèo là đồng bào DTTS, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ngày 2/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, kể từ ngày 30/3/2021, NHCSXH tiếp tục được thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến hết ngày 31/12/2020 như quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg. Mức cho vay tối đa của chương trình là 100 triệu đồng/hộ, thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ SXKD và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm. Như vậy, với sự điều chỉnh kịp thời của Chính phủ sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho hàng nghìn hộ mới thoát nghèo có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, tránh tái nghèo, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Bài và ảnh Hồng Giang

Các tin bài khác