Tín dụng chính sách tiếp nối những mùa xuân
Chắp cánh cho những ước mơ thoát nghèo
Trong tiết trời se lạnh của ngày đầu năm, chúng tôi có dịp đồng hành cùng với cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Thuận Bắc đến thăm một số hộ gia đình đồng bào Raglai tại địa phương. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được chính là sự đổi thay về cuộc sống của bà con nơi đây. Đặc biệt, đón xuân năm nay không khí càng thêm rộn ràng hơn khi hàng trăm hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp thêm động lực từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, xây dựng mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả.
Trò chuyện với chị Ta La Thị Đanh, ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải, được biết trước đây, gia đình chị thuộc diện đặc biệt khó khăn, mặc dù có gần 1ha đất canh tác, nhưng vì thiếu nước nên sản xuất không được thuận lợi. Chị Đanh chia sẻ: Vợ chồng cố gắng làm ăn chắt chiu nhưng cũng chỉ đủ ăn cho 4 nhân khẩu, trong lúc chưa biết xoay sở thế nào để thoát nghèo thì được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn làm thủ tục vay vốn NHCSXH dành cho hộ nghèo.
Sau khi được tạo điều kiện vay 15 triệu đồng, cùng với số tiền hỗ trợ từ người thân, chị Đanh đầu tư mua 2 con bò và trồng cỏ, sau mấy năm bò phát triển tốt, sinh sản nhanh, giúp gia đình trả số tiền vay ban đầu. Năm 2017, gia đình được NHCSXH cho vay thêm 49 triệu đồng cải tạo lại đất trồng 5 sào bắp lai, 3 sào đậu xanh và nuôi 5 con bò; nhờ đó, kinh tế dần ổn định và đến nay chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Cũng như chị Đanh, chị Trần Thị Sin Rê ở thôn Nho Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam đã gầy dựng cơ sở làm ăn bài bản từ vốn NHCSXH, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đầu năm 2017, gia đình chị được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng, nuôi 2 con bò và 12 con cừu theo hình thức vỗ béo. Nhờ nắm vững kiến thức chăm sóc, đàn vật nuôi phát triển nhanh, mỗi lứa xuất bán đều cho lãi cao. Năm 2019, NHCSXH huyện Thuận Nam nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng; lần này, chị đầu tư 7 triệu đồng đào giếng và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm phục vụ nước tưới cho 1,7 sào giống ổi Thái Lan và nuôi 20 con cừu. Từ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi, gia đình chị có thu nhập ổn định trên 70 triệu đồng.
Niềm vui của chị Đanh và chị Rê cũng là niềm vui chung của hàng nghìn hộ nghèo khác trên địa bàn tỉnh. Bằng tinh thần chịu thương, chịu khó, cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức của vốn NHCSXH đã giúp họ làm thay đổi cuộc sống gia đình, đưa đồng vốn tín dụng phát huy đúng mục đích.
Tiếp tục đồng hành cùng hộ nghèo
Có thể nói, năm 2020, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng đổi mới hoạt động chuyên môn, triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn, Điểm giao dịch xã để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến tay các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất. Đặc biệt, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 24/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo điểm nhấn, bước đột phá mới trong việc hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chỉ tính riêng trong năm 2020, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh đạt 682 tỷ đồng, với 20.537 lượt khách hàng vay vốn, nâng tổng dư nợ của 15 chương trình tín dụng cho vay đến nay đạt 2.329 tỷ đồng, với trên 75.000 hộ còn dư nợ.
Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo 282 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 718 tỷ đồng, hộ cận nghèo 353 tỷ đồng, chiếm gần 60% trên tổng doanh số cho vay. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người dân đầu tư hiệu quả vào sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm chỉ tiêu hộ nghèo trên 2%/năm, giúp cho 26 xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận Lê Minh Lộc nhìn nhận: Mặc dù có những thời điểm khó khăn, tuy nhiên với sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp tích cực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, nâng cao đời sống cho người dân từ vùng núi, đồng bằng, đến khu vực thành thị, minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Chính phủ với mục tiêu “Không để một ai bị bỏ lại phía sau”.
Tin tưởng rằng, với “chiếc cần câu” hữu ích, thiết thực của NHCSXH sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ, giúp cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Ninh Thuận có thêm điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh Đăng Khôi
Các tin bài khác
- » Đồng hành cùng hộ nghèo vươn lên
- » Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- » “Gieo” vốn trên núi
- » Hạnh phúc vì được giúp người nghèo
- » Khơi dậy ý chí và nghị lực vươn lên trên mảnh đất nắng gió
- » HIỆN ĐẠI HÓA HOẠT ĐỘNG NHCSXH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020: Điểm tựa bứt phá chất lượng cung ứng tín dụng chính sách xã hội
- » Những bông hoa trong vườn hoa thi đua yêu nước
- » Từ Anh hùng trong lòng dân đến Anh hùng trong lao động
- » “Người dẫn đường từ phía sau…!”
- » Bình Thuận đồng hành cùng người nghèo trên hành trình phát triển