Bình Thuận đồng hành cùng người nghèo trên hành trình phát triển

14/02/2021
(VBSP News) Thực hiện chủ trương của Trung ương, thời gian qua NHCSXH tỉnh Bình Thuận đã kiện toàn hệ thống Ban đại diện HĐQT từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xây dựng hoàn thiện hệ thống bộ máy điều hành tác nghiệp của chi nhánh; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận kịp thời; không ngừng tập trung thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
3. binh thuyan

Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, hộ dân ở tỉnh Bình Thuận có điều kiện phát triển cây Thanh Long

Điểm sáng trong giảm nghèo

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Thuận Phạm Anh Đức cho biết: “Trong giai đoạn 2011 - 2020, NHCSXH tỉnh Bình Thuận đã tập trung nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 9,09% xuống còn 2,52% và trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 5,81% xuống còn 1,92% thời điểm cuối năm 2019. Đây có thể coi là điểm sáng của công cuộc giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh Bình Thuận.”

Cùng với việc tăng thêm các chương trình tín dụng, đối tượng thụ hưởng đa dạng hơn, cơ cấu sử dụng vốn đã có sự thay đổi. Giai đoạn 2011 - 2020, các đối tượng cho vay đã được mở rộng, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho nhiều đối tượng trên các lĩnh vực SXKD, cải thiện điều kiện sinh hoạt… Đây là những chương trình cho vay được các cấp chính quyền và nhân dân nhiệt tình đón nhận. Thông qua nguồn vốn chính sách đã giúp gần 33.062 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 16 nghìn lao động; giúp trên 50 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 156 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; 2.474 căn nhà ở cho hộ nghèo và 110 khách hàng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sữa chữa nhà để ở theo Nghị định 100 của Chính phủ. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm lớn cho công tác giảm nghèo, chỉ đạo quyết liệt trong việc tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách thông qua NHCSXH. Trên tinh thần đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương được bổ sung hàng năm với tốc độ tăng tưởng khá cao, đến nay đạt trên 92 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3%/tổng nguồn vốn; tăng 78 tỷ đồng (+557%) so với năm 2010 và tăng 72 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH tỉnh đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đến 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả trong 10 năm (2011 - 2020), doanh số cho vay đạt 5.869 tỷ đồng với trên 312 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 4.070 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 30/12/2020 đạt gần 2.930 tỷ đồng, tăng 1.790 tỷ đồng (+1,73 lần) so với năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10%, với trên 100 nghìn khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ 29,2 triệu đồng/khách hàng.

Không những thế, nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp người dân các xã đang xây dựng nông thôn mới đạt một số tiêu chí như: Tiêu chí việc làm; tiêu chí giáo dục và đào tạo; tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm; tiêu chí nhà ở dân cư…

Tính đến nay, toàn tỉnh Bình thuận có 57/96 (59%) xã và 01 đơn vị cấp huyện (huyện đảo Phú Quý) đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng trong thực hiện các thủ tục vay vốn, trả nợ, NHCSXH tỉnh đã mở Điểm giao dịch tại 124/124 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội; các Sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên quan tâm phối hợp với NHCSXH tỉnh để triển khai thực hiện tín dụng chính sách đạt hiệu quả. Phương thức ủy thác cho vay, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ngày càng có hiệu quả, giúp vốn vay được quản lý chặt chẽ, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Công tác kiểm tra, kiểm soát được tăng cường cả chiều rộng lẫn chiều sâu, giúp cho việc thực hiện tín dụng chính sách đảm bảo đúng quy định, đúng chính sách, hạn chế tối đa những tiêu cực, sai phạm phát sinh.

Đem lại cơ hội cho nhiều hộ gia đình vươn lên

Một trong những chương trình giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải kể đến đó là chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH. Thời gian qua, nhờ có chương trình này mà hiều hộ gia đình đã thoát nghèo mạnh dạn mở rộng SXKD, từng bước nâng cao cuộc sống.

Tại TX La Gi, 10 năm qua, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã phát huy tối đa hiệu quả và được xem là “đòn bẩy” giúp cho biết bao nhiêu hộ gia đình thoát nghèo bền vững và có được cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Chị Nguyễn Lâm Anh Thu ở khu phố 4, phường Tân Thiện, thị xã La Gi là một điển hình.

Hơn 12 năm trước, gia đình chị là một trong những hộ nghèo của phường Tân Thiện khi chồng chị chẳng may bị đột qụy, sau một thời gian dài cố gắng chạy chữa thuốc thang vẫn mất đi khả năng lao động; hai con thì đang tuổi học… Gánh nặng kinh tế dồn lên vai chị Thu, nhưng nhờ được vay vốn hộ nghèo của NHCSXH TX La Gi, gia đình chị Thu đã chính thức thoát nghèo vào năm 2018. Niềm vui được nhân lên khi gia đình chị xây dựng được căn nhà mới khang trang, sạch đẹp; hai con của chị cũng được ăn học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định.

Cũng như chị Thu, nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình anh Lê Thanh Bình ở thôn 7, xã Măng Tố, huyện Tánh Linh, không ai nghĩ gia đình anh trước đây là hộ cận nghèo. Không giấu được niềm vui, anh Bình chia sẻ: “Trước đây, kinh tế gia đình rất bấp bênh, do không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất, lại phải nuôi con ăn học. Cuộc sống của cả gia đình chỉ nhờ vào mấy luống rau, tằn tiện lắm thì chỉ đủ ăn. Được biết NHCSXH triển khai cho vay ưu đãi đối với các hộ mới thoát nghèo, tôi có nhu cầu và được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn, NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng”.

Có vốn trong tay, anh Bình tiếp tục phát triển vườn rau, nuôi hơn 20 con dê. Nhờ có kinh nghiệm trong việc chọn từng loại rau trồng phù hợp vào từng thời gian nhất định, rau gia đình anh trồng vừa trúng mùa vừa trúng giá. Mỗi năm, gia đình anh thu lãi 80 triệu đồng. Tích lũy, anh mua được đất, cất được nhà ở kiên cố, hoàn thành ước mơ cho con trai trờ thành kỹ sư cơ khí và đặc biệt là gia đình chị không sợ tái nghèo.

Bên cạnh đó, thông qua các dự án khởi nghiệp của thanh niên, phụ nữ, có thể thấy nguồn vốn chính sách của tỉnh thời gian qua đã được NHCSXH tỉnh cùng các ngành, địa phương triển khai, giải ngân một cách hiệu quả.

Tiếp tục sứ mệnh thiên niên kỷ trong hành trình phát triển

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Thuận Phạm Anh Đức chia sẻ: Thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn gặp không ít khó khăn. Nhất là trong năm 2020, trước tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng của thiên tai, dịch Covid-19, nguy cơ nghèo và tái nghèo luôn rình rập khiến tín dụng chính sách xã hội cũng gặp không ít khó khăn. Để góp phần vào việc hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược, trong năm qua, NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đáp ứng kịp thời vốn đến các đối tượng thụ hưởng, sớm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao trong năm 2020 và các mục tiêu chủ yếu trong năm cuối thực hiện Chiến lược.

Bên cạnh đó, thường xuyên chỉ đạo việc rà soát, xử lý, tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khắc phục khó khăn, tiếp tục có vốn để sản xuất, NHCSXH tỉnh đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro, đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro chính xác, kịp thời, đồng thời bổ sung nguồn vốn tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo.

Có thể khẳng định, đến nay, NHCSXH tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra trong giai đoạn 2011 - 2020. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

NHCSXH tỉnh Bình Thuận cũng đã đề ra một số mục tiêu cụ thể cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 như: 100% người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 1%/tổng dư nợ; triển khai thực hiện kịp thời các sản phẩm, dịch vụ theo các Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Tổng Giám đốc NHCSXH; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ khách hàng…

Với những định hướng và mục tiêu đã đề ra, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục giặt hái nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần phát huy vai trò cũng như sứ mệnh của một ngân hàng chuyên biệt vì người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển đất nước.

Bài và ảnh Nguyễn Huệ

Các tin bài khác