Bài 2: Ấn tượng nhưng chưa bền vững
Nguy cơ tái nghèo cao
Trở lại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu mới thấy, Nghị quyết số 76/2014/QH13 đã mang lại cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào Cống, Mảng, La Hủ ở đây cuộc sống mới hạnh phúc. Đến hết năm 2019, cả nước vẫn còn 23/63 (36,5%) tỉnh, thành phố chưa đạt mục tiêu chung về giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Tỷ lệ hộ nghèo cao vẫn tập trung ở khu vực miền núi Đông Bắc, Tây Bắc. Cá biệt như tỉnh Điện Biên, trung bình cứ 10 hộ gia đình thì có hơn 3 hộ nghèo. Hiện cả nước vẫn còn 32/64 huyện nghèo, trong đó có huyện tỷ lệ hộ nghèo lên tới 62,43%.
“Giờ, Mường Tè khác xưa nhiều lắm. Đường ô tô nối tỉnh với các trung tâm xã; xe máy đã đi đến từng thôn bản. Người La Hủ từng tụt xuống tận đáy vì nghiện ngập, bệnh tật nay đã trở thành dân tộc đông nhất nhì trong huyện. Bà con được học nghề, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để tăng năng suất và giá trị hàng hóa. Trẻ em được đến trường; có nhiều em đã đỗ vào các trường đại học lớn ở thủ đô; các thôn bản đã có nước sạch, có điện lưới quốc gia; người dân được chăm sóc y tế đầy đủ… Quan trọng hơn, cái tên Mường Tè đã vào bản đồ du lịch của rất nhiều dân “phượt”. Nay mai, chắc chắn, nền công nghiệp không khói ở đây sẽ phát triển”, Giám đốc NHCSXH huyện Mường Tè Nguyễn Duy Sỹ hồ hởi khoe.
Sự thay đổi ngoạn mục này không chỉ diễn ra ở Mường Tè mà đã lan rộng ra khắp cả nước; làm cho cái đói, cái rét không còn bám riết lấy cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, việc giảm nghèo mới chỉ dừng lại ở “số lượng” và “tốc độ”; nguy cơ tái nghèo cao. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 2 năm 2016 - 2017, tỷ lệ hộ tái nghèo chiếm bình quân 5,17%/năm trong tổng số hộ thoát nghèo. Riêng vùng miền núi Tây Bắc có tỷ lệ tái nghèo lên tới 26,86% (giai đoạn trước khoảng 12%/năm).
Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo mới phát sinh cao (so với hộ thoát nghèo) tập trung vào các vùng DTTS, miền núi như: Vùng miền núi Đông Bắc (24,67%); vùng miền núi Tây Bắc (39,21%); Tây Nguyên (31,74%). Một số tỉnh có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao như Hà Giang (28,25%); Cao Bằng (25,44%); Bắc Kạn (59%); Sơn La (52,31%); Điện Biên (41,5%); Đắk Nông (44%); Kon Tum (41%).
Đến tháng 3/2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Đặc biệt, 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt từ 0,03% trở lên, trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi như Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kiên Giang; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao.
Mới chỉ thoát nghèo theo chuẩn!
Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao là do chuẩn nghèo chưa sát với cuộc sống. Bởi trên thực tế, ranh giới giữa nghèo - không nghèo rất mỏng manh; đa số các hộ thoát nghèo mới chỉ thoát nghèo theo chuẩn, chưa thực sự thoát khỏi tình trạng nghèo.
Thứ nữa, mặt bằng dân trí, trình độ sản xuất hạn chế, điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông của miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn rất khó khăn, cần có nguồn lực lớn để đầu tư, trong khi khả năng ngân sách hạn chế. Cùng với đó, tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, lũ lụt diễn ra thường xuyên và trên diện rộng, tác động tiêu cực lên các kết quả giảm nghèo. Đơn cử, năm 2016 - 2017, cả nước có hơn 650 người thiệt mạng vì thiên tai; làm thiệt hại về tài sản là 89.753 tỷ đồng (niên giám thống kê 2017). Đặc biệt năm 2020, những thiệt hại do đại dịch Covid-19 đã làm khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu; khiến đa phần các nước đều có mức tăng trưởng âm; Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất trong khu vực Đông Nam Á, song chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, cũng như mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chưa hết, bão lũ dồn dập đã gây ảnh hưởng nặng nề cho các tỉnh miền Trung vừa qua chắc chắn sẽ khiến không ít hộ gia đình quay lại cảnh nghèo đói.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát của Ủy ban về Các vấn đề xã hội cũng chỉ ra, nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo, phần lớn vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn Trung ương và bị phân tán, dàn trải; việc lồng ghép nguồn lực còn khó khăn do mỗi chương trình có mục tiêu, cơ chế quản lý khác nhau. Ngân sách Trung ương tuy bảo đảm nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; song đối với 21 chương trình mục tiêu thực hiện theo các quyết định của Chính phủ thì chỉ bố trí được hơn 50% tổng số vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.
Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 còn cho thấy, đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu ổn định; một số cán bộ công chức còn thiếu kinh nghiệm, hạn chế trong nhận thức khi thực hiện những chính sách mới cũng như triển khai cách tiếp cận mới. Ở Trung ương, trách nhiệm và nỗ lực trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở các cấp, ngành chưa đồng đều; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa đồng bộ… Đơn cử như việc phối hợp nghiên cứu, xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ chế lồng ghép để lực lượng quân đội tham gia thực hiện các chương trình, dự án trạm trại, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhất là ở các xã khu vực biên giới.
(Đón đọc bài 3 – “Chìa khóa” giảm tỷ lệ tái nghèo)
Bài và ảnh Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Bài 1: Giảm nghèo - Chuyện của Việt Nam và bài học của thế giới
- » Xuân ấm xứ Nghệ
- » Xuân về trên vùng núi cao Yên Bái
- » Trái ngọt mùa xuân từ nguồn vốn chính sách
- » Thơ "Em tròn mười tám"
- » Hành trình của niềm tin và sứ mệnh vì người nghèo
- » Tăng công lực cho phương thức truyền tải nguồn vốn chính sách
- » Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020: 10 NĂM VÀ NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC
- » CHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW: Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội
- » NGÀNH NGÂN HÀNG 2020: Khẳng định bản lĩnh giữa khó khăn