CHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW: Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội
Đột phá từ tư duy
16.508 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác từ địa phương được huy động từ sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW đến 31/12/2020, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH đạt 20.315 tỷ đồng. Song, sự tăng trưởng này không lũy tiến đều trong 5 năm qua mà là kết quả của một cuộc vận động chuyển biến từ tư duy nhận thức đến cách làm sáng tạo của các địa phương với tín dụng chính sách xã hội, với sự góp công không nhỏ của từng cán bộ, nhân viên NHCSXH.
Từ sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ phát huy vai trò chỉ đạo, giám sát mà còn chung tay cùng Chính phủ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như ở Hà Nội, sau khi sáp nhập có tới hơn nửa thành phố với 18 quận, huyện và 386 xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo cao và không đồng đều, Thành ủy đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW.
“Hà Nội luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc phù hợp với thực tiễn của thành phố; góp phần quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng bộ đã đề ra; đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định.
Tiếp nối vị trí đứng đầu trong cả nước về nguồn vốn ngân sách ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, sau khi triển khai, Hà Nội tiếp tục có bước đột phá mới với 100% quận, huyện dành nguồn vốn lớn ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ người dân trên địa bàn. Đến hết năm 2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH thành phố Hà Nội đạt 4.111 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 0,42% (cuối năm 2019), hết năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 92,2% (356/386 xã).
Đặc biệt, việc lồng ghép triển khai và đánh giá Chỉ thị số 40-CT/TW tại các vùng “lõi nghèo” quốc gia qua các Hội nghị thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc đã góp phần chứng minh hiệu lực của Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống. Từ đó tạo ra bước chuyển biến đột phá cho công tác tín dụng chính sách những năm sau này trên toàn quốc. Nhiều địa phương đã nhận thức sâu sắc về vai trò chủ lực, trụ cột của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từ đó dành nguồn lực lớn ủy thác qua NHCSXH như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Bình Định, Long An, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Cần Thơ và nhiều địa phương khác.
Cộng hưởng sức mạnh cho bảo đảm an sinh xã hội
Những “chiếc cần câu” từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp hàng triệu hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Xa hơn nữa, sử dụng công cụ tín dụng chính sách hiệu quả còn là “đòn bẩy” phát triển kinh tế bền vững, tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với việc dành 420 tỷ đồng uỷ thác qua NHCSXH, tỉnh Đồng Tháp chú trọng hướng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đi lao động, làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay tỉnh Đồng Tháp đang dẫn đầu khu vực ĐBSCL về việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng… Không chỉ giải quyết vấn đề giảm nghèo, phát triển kinh tế, hướng đi này còn giúp tỉnh hiện thực hóa mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, bởi lao động đi làm việc ở nước ngoài đang tiếp cận với sự phát triển của nước văn minh, sẽ làm thay đổi suy nghĩ cách làm. Sau khi về nước, số tiền lao động mang về đã quý, kiến thức lao động mang về còn quý hơn, có một cuốn sách nói về vấn đề này “người nghèo là nghèo cái túi, người giàu là giàu cái đầu”. Vì vậy, tín dụng chính sách xã hội phải lồng ghép được nguồn vốn hữu hình và kiến thức vô hình để kích hoạt đối tượng yếu thế trong xã hội thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti, vươn lên thoát nghèo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chia sẻ, nhờ thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW đã huy động được thêm nguồn vốn tại địa phương, nên số hộ DTTS được vay vốn từ NHCSXH ngày càng tăng. Đồng bào DTTS chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ dư nợ tại NHCSXH chiếm 24,8% tồng dư nợ; toàn quốc có 3,04 triệu hộ DTTS thì đã có 1,4 triệu hộ vay vốn NHCSXH, chiếm 46%. Dư nợ bình quân là 38 triệu đồng/hộ.
“Đồng bào DTTS còn khó khăn, nhưng truyền thống văn hóa tốt đẹp từ bao đời để lại là “không có thì xin”, “vay thì phải trả”, NHCSXH đưa ra con số nợ quá hạn chỉ chiếm 0,76%, làm cho các cấp lãnh đạo thật sự yên tâm khi quyết định chuyển vốn qua NHCSXH”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết.
Sự đồng hành, thấu hiểu nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách cũng là cơ sở để dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, NHNN Việt Nam, HĐQT NHCSXH đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW; Tham mưu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao chất lượng thực hiện ủy thác cho vay.
Đặc biệt, NHCSXH chủ động báo cáo các Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, giúp NHCSXH nâng cao năng lực tài chính, chủ động cho vay các chương trình chính sách trong điều kiện nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ngày càng bị hạn chế. Việc tham mưu Chính phủ chỉ đạo bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện của NHCSXH càng góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa phương.
Hệ thống các chương trình tín dụng chính sách ngày càng hoàn thiện với việc NHCSXH chủ động báo cáo, làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chương trình tín dụng chính sách mới, nâng cao mức vay, đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, như: cho vay hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm; phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; hỗ trợ làm nhà đối với hộ nghèo, bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững.
Cùng với sự tận tụy, trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên và người lao động NHCSXH không quản ngày nghỉ, nắng mưa, giá rét… đúng giờ giao dịch cố định là có mặt phục vụ nhân dân đã kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo lên thành công chung của Chỉ thị số 40-CT/TW.
Doanh số cho vay từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay đạt hơn 370 nghìn tỷ đồng, cho hơn 13 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,4 triệu lao động; giúp gần 28 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 382 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 7,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 152 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…
Với những kết quả tích cực trong triển khai tín dụng chính sách xã hội nói chung, Chỉ thị số 40-CT/TW nói riêng, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII Trần Quốc Vượng khẳng định: “Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chỉ thị số 40-CT/TW đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Hoạt động tín dụng và tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới”.
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII Trần Quốc Vượng: Tiếp tục chủ động, sáng tạo thực hiện tốt hơn Chỉ thị của Đảng Chúng ta có thể khẳng định rằng các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo thực hiện. Vì vậy yêu cầu đặt ra là cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong thời gian tới. Tôi xin nhấn mạnh thêm một số điểm sau đây: |
Bài và ảnh Ngọc Tú
Các tin bài khác
- » NGÀNH NGÂN HÀNG 2020: Khẳng định bản lĩnh giữa khó khăn
- » Mang xuân ấm đến đồng bào cả nước
- » Đảng bộ NHCSXH TW tham dự Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên Trung ương tháng 01/2021
- » NHCSXH tỉnh Quảng Nam xây cầu giúp người dân Sóc Trăng
- » Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- » NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
- » Sức sống mới trên những bản làng Phú Thọ
- » Tạo đà giảm nghèo bền vững
- » Hiệu quả hoạt động các Điểm giao dịch xã ở huyện Kon Rẫy
- » Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp