NGÀNH NGÂN HÀNG 2020: Khẳng định bản lĩnh giữa khó khăn
Tích cực tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN bày tỏ niềm vinh dự, vui mừng và trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành và địa phương đã tới dự Hội nghị.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2020, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng thương mại giữa các nước gia tăng. Năm 2020 là năm đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng và tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cùng với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp chưa từng có, gây thiệt hại về người và tài sản, khiến hoạt động SXKD của doanh nghiệp và người dân càng gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có những chính sách đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo để vừa phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của dịch bệnh, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Đối với ngành Ngân hàng, theo Thống đốc, năm 2020 xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, NHNN đã vào cuộc rất sớm khi đại dịch mới xảy ra. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của đại dịch và thiên tai tới hoạt động SXKD, NHNN đã tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng, lãi suất, phí thanh toán. Đây là những giải pháp thiết thực, đúng thời điểm khi hoạt động SXKD ngưng trệ, nguồn thu sụt giảm, khó khăn trong vấn đề trả nợ…
Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực huy động nguồn lực tài chính quốc tế để hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật ứng phó khẩn cấp đại dịch Covid-19, viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ…; cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một nhiệm vụ NHNN hết sức quan tâm, thể hiện qua việc điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các công cụ CSTT được phối hợp đồng bộ, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tiếp tục mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và củng cố mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, trong năm 2020, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ngay khi xảy ra dịch bệnh, NHNN đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Trên cơ sở đó, NHNN đã ban hành một loạt các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, nhiều văn bản chỉ đạo mang tính đột phá như cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng; yêu cầu các TCTD đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; điều chỉnh giảm 50% phí dịch vụ thanh toán trong nước qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
Chủ động thành lập các Đoàn công tác địa phương do Lãnh đạo NHNN làm Trưởng đoàn phối hợp với UBND tỉnh, thành phố tổ chức 15 Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để nắm bắt tình hình tác động của dịch Covid-19, lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách của NHNN.
NHNN điều hành, công bố tỷ giá trung tâm linh hoạt hàng ngày phù hợp diễn biến thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Tỷ giá USD/VND diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và biến động của đô la Mỹ trên thị trường thế giới.
Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp rất quan trọng của ngành Ngân hàng. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, khéo léo, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đạt gần 11%. Thủ tướng đánh giá cao, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, khoảng 1,5% - 2%/năm, giảm sâu nhất trong khu vực.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi được NHCSXH thực hiện trong thời gian qua, đồng thời đề nghị NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tham mưu cho chính quyền các địa phương ưu tiên dành vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Thủ tướng, chính những kết quả tích cực của toàn ngành Ngân hàng đã giúp nâng mức triển vọng xếp hạng các TCTD Việt Nam trong các năm gần đây và trong năm 2020, có 14 NHTM của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất Châu Á - Thái Bình Dương, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017. Chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam ở vị trí 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với Doing Business 2019 và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, thứ 2 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Brunei). Đây là những kết quả quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực và biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng đánh giá cao sự thẳng thắn, nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, cần quan tâm xử lý trong thời gian tới trong ngành Ngân hàng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng. Vì vậy, cùng với việc mở rộng tín dụng, hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN và các TCTD cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Ngân hàng đã đạt thành công lớn nhưng không được chủ quan. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế có thể diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tính toán kỹ, có những phương án, đối sách phù hợp kịp thời.
Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, tại Hội nghị, NHNN đã đưa ra định hướng năm 2021 sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ Bước sang năm 2021, một giai đoạn mới, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành Ngân hàng cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi từ những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua và xu hướng phát triển mới của thế giới, khu vực và trong nước trong thời gian tới. Tôi yêu cầu tất cả các đồng chí lãnh đạo, các tập thể, cá nhân trong ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được, nỗ lực, quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để cùng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng trong thời gian tới. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng vào mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng Về nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, NHNN cần tập trung xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án tổng thể của ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2025 để sớm ban hành và triển khai áp dụng ngay trong năm 2021 theo đúng chủ trương và định hướng nêu tại Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể để ứng phó trong tình trạng mới trên các lĩnh vực, nhất là tài chính, ngân hàng. |
Bài và ảnh Đức Nghiêm - Hoàng Giáp
Các tin bài khác
- » Mang xuân ấm đến đồng bào cả nước
- » Đảng bộ NHCSXH TW tham dự Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên Trung ương tháng 01/2021
- » NHCSXH tỉnh Quảng Nam xây cầu giúp người dân Sóc Trăng
- » Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- » NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
- » Sức sống mới trên những bản làng Phú Thọ
- » Tạo đà giảm nghèo bền vững
- » Hiệu quả hoạt động các Điểm giao dịch xã ở huyện Kon Rẫy
- » Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
- » Cựu Chiến binh Gia Lai phát huy hiệu quả nguồn vốn vay