Bài 3: “Chìa khóa” giảm tỷ lệ tái nghèo
Thách thức phía trước
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã thu hẹp diện tích đất ở, đất sản xuất, tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân; tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh, nghèo do tư tưởng ỷ lại; nghèo do không đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học 4.0… là các vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay, đã và đang làm tăng gánh nặng cho Nhà nước trong thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững.
Nhìn lại 2 đợt dịch Covid-19 trong năm 2020 sẽ thấy, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; SXKD bị đình trệ, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, vận tải, hàng không, du lịch… Hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, thu nhập bị giảm sâu và mới đây nhất, thiên tai, lũ lụt, sạt lở ở miền Trung không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 130 người mà còn làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng về tài sản. Chắc chắn hậu quả của nó sẽ khiến cho cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế càng trở nên khốn khó; các mục tiêu thiên niên kỷ sẽ khó có thể hoàn thành.
Cùng với đó, thời gian qua, nhiềutư tưởng ỷ lại, không muốn thoát chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Việc hỗ trợ dàn trải với quá nhiều chính sách ưu đãi khiến một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Nhiều hộ lười lao động, tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo. Thậm chí, nhiều hộ đã lợi dụng sự nhân văn của chế độ để trục lợi chính sách, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ tái nghèo bình quân cả nước giai đoạn 2016 - 2019 là 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo là 12%/năm); tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình bằng 21,8% so với tổng hộ thoát nghèo. Sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư ngày càng gia tăng. Năm 2014, chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 (20% dân số giàu nhất) và nhóm 1 (20% dân số nghèo nhất) là 9,7 lần thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 10 lần. Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2018 ở mức 0,4% - mức bất bình đẳng trung bình so với các nước trên thế giới.
“Tất cả những vấn đề này, nếu không được giải quyết quyết liệt, đồng bộ và triệt để thì chắc chắn, công cuộc giảm nghèo với những thành quả ấn tượng của chúng ta sẽ đổ xuống sông, xuống biển”, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng khuyến cáo.
Tín dụng ưu đãi - công cụ trụ cột
Trước thực trạng này, Đảng, Nhà nước đã có bước đổi mới tư duy trong chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế là chính, nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào và coi đây là mũi đột phá trong phát triển kinh tế ởvùng DTTS và miền núi. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực, hướng dẫn; bản thân người nghèo phải chủ động vươn lên, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có sự đóng góp đắc lực của các chính sách tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện. Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, các chính sách này vẫn tiếp tục là công cụ trụ cột trong giảm nghèo của Chính phủ.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, kể đầu năm 2015 đến nay, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động (gần 24 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 346 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 7,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, tính trụ cột của tín dụng ưu đãi trong công cuộc giảm nghèo nằm ở chính mô hình tổ chức quản trị đặc thù của NHCSXH - mô hình lôi cuốn cả hệ thống chính trị vào cuộc; kết nối một cách sâu sắc, bền vững giữa người nghèo với các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Chính yếu tố này đã giúp NHCSXH huy động và quản lý nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và mang lại những tác động tích cực đến khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Tuy nhiên, để chính sách tín dụng này đạt hiệu quả cao hơn nữa và tiếp tục là công cụ trụ cột trong giảm nghèo, cần phải nghiên cứu, xem xét bố trí nguồn lực để thực hiện; nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với một số chương trình tín dụng; mở rộng đối tượng vay vốn như chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn đối với hộ có mức sống trung bình; chương trình tín dụng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài là thành viên thuộc hộ mới thoát nghèo; chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đối với các hộ thuộc các phường, thị trấn ven thành thị và huyện đảo chưa có công trình nước sạch và vệ sinh. Bên cạnh đó, quan tâm bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, giúp họ có đất sản xuất, tự thoát nghèo bền vững.
(Đón đọc bài cuối - Công cụ cho chính quyền - động lực cho người nghèo)
Bài và ảnh Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Bài 2: Ấn tượng nhưng chưa bền vững
- » Bài 1: Giảm nghèo - Chuyện của Việt Nam và bài học của thế giới
- » Xuân ấm xứ Nghệ
- » Xuân về trên vùng núi cao Yên Bái
- » Trái ngọt mùa xuân từ nguồn vốn chính sách
- » Thơ "Em tròn mười tám"
- » Hành trình của niềm tin và sứ mệnh vì người nghèo
- » Tăng công lực cho phương thức truyền tải nguồn vốn chính sách
- » Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020: 10 NĂM VÀ NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC
- » CHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW: Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội