Bài cuối: Công cụ cho chính quyền – động lực cho người nghèo
Không còn hộ nghèo là người có công
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh Trà Vinh trong việc triển khai Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020?
Trả lời: Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 đã tạo ra một làn sóng thi đua rầm rộ trên khắp địa bàn tỉnh. Khắp nơi, từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các tổ chức chính trị - xã hội đến từng người dân, nhất là các hộ nghèo đều hưởng ứng và vào cuộc một cách mạnh mẽ, đầy quyết tâm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Trà Vinh giảm nhanh, chất lượng giảm nghèo khá bền vững.
Năm 2016 ,tỷ lệ hộ nghèo ở Trà Vinh là 13,23%, đến cuối năm 2019 giảm còn 3,22%; tỷ lệ hộ nghèo Khmer giảm 17,07%, giảm bình quân 4,27%/năm; hiện tỉnh không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,72%, hộ nghèo dân tộc Khmer còn dưới 04%. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh vẫn xảy ra nhưng tỷ lệ thấp, chưa tới 1%, bình quân trong 4 năm 2016 - 2019 tỷ lệ tái nghèo của tỉnh ở mức 0,61%. Nguyên nhân chính là Trà Vinh là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo chưa nhiều nên việc hỗ trợ cho hộ nghèo còn hạn chế. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trong chăn nuôi, giá cả các mặt hàng nông sản không ổn định… ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; ý thức tự lực vươn lên của một bộ phận người nghèo chưa cao, còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng.
Phóng viên: Theo ông, điều gì khiến kết quả giảm nghèo ở Trà Vinh đạt được như vậy?
Trả lời: Nguyên nhân thì rất nhiều và chắc chắn phải khẳng định đó là công sức của cả hệ thống chính trị và của mỗi cá nhân người nghèo. Và, trong nguồn sức mạnh tổng hợp đó, có vai trò quan trọng của NHCSXH - một địa chỉ tin cậy và thân thiết của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Là đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước, NHCSXH có mạng lưới hoạt động khắp cả nước; cách thức cho vay linh hoạt, dựa trên sự bảo lãnh của các tổ chức chính trị - xã hội… nên rất thuận lợi cho người nghèo. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cán bộ tín dụng NHCSXH đều thấu hiểu những hạn chế, khó khăn mà người nghèo và các đối tượng chính sách gặp phải nên ngoài việc thực hiện các nghiệp vụ của ngân hàng, họ còn là người tư vấn cách làm ăn, thậm chí là hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất. Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã khai thác các nguồn vốn từ thị trường được NSNN cấp bù lãi suất, thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo, tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Trà Vinh đạt trên 2.499 tỷ đồng, tăng 762,1 tỷ đồng (43,86%) so với năm 2015 (trong đó, vốn huy động đạt 243,8 tỷ đồng, tăng 171,6 tỷ đồng). Vì vậy, cơ bản các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đã được thụ hưởng đầy đủ.
Phóng viên: Kết quả này đã thực sự bền vững chưa, thưa ông?
Trả lời: Có thể nói thời gian qua, tốc độ giảm nghèo ở Trà Vinh đã được đẩy nhanh, góp phần ổn định đời sống cho người dân, tăng thu nhập. Người nghèo tiếp cận thuận lợi hơn các chính sách của Nhà nước; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và các huyện, xã đặc biệt khó khăn giảm nhanh, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, như trên đã nói, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh nên tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh vẫn xảy ra. Con số này cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều. Nguyên nhân do tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị còn chậm; nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế, nhất là các chương trình tín dụng có nhu cầu lớn như: Chương trình cho vay giải quyết việc làm, SXKD… Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS còn thấp; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục; một bộ phận hộ nghèo chưa chí thú làm ăn, còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng.
Giai đoạn 2016 - 2019, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 26.292 hộ dân Trà Vinh vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm cho 6.179 lao động; 967 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 6.115 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; hỗ trợ cho 49.988 lượt hộ xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn…
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Phóng viên: Vậy, phải làm gì để khắc phục những tồn tại, khó khăn trên? Và, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiện hành có cần phải bổ sung, điều chỉnh gì không, thưa ông?
Trả lời: Tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay như: Nhà nước cần bố trí đủ và kịp thời kinh phí triển khai thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo. Tập trung, tăng cường đầu tư đủ mạnh để phát triển kết cấu hạ tầng các địa bàn nghèo, vùng còn nhiều khó khăn, tạo điều kiện liên thông hàng hóa, giao thương kết nối thị trường. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo. Dạy nghề phải phù hợp với nhu cầu, gắn với tạo việc làm, tạo thu nhập. Tập trung xây dựng, phát triển, nhân rộng các loại mô hình giảm nghèo, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các mô hình khởi nghiệp cho người nghèo dựa trên lợi thế, điều kiện của từng vùng miền.
Đặc biệt, cần tách toàn bộ nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội và nhóm hộ nghèo ngoài nhóm bảo trợ xã hội nhưng không có khả năng thoát nghèo ra ngoài chỉ tiêu hộ nghèo hằng năm và xây dựng chính sách hỗ trợ cho nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, hướng đến hưởng trợ cấp hàng tháng. Xây dựng các chương trình thực hiện theo hướng nâng cao khả năng tiếp cận như: Tích hợp lồng ghép các chính sách theo từng chương trình cụ thể, tránh đầu tư dàn trải; phân theo từng nhóm hộ để đầu tư nguồn lực; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ gián tiếp. Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ vốn, đảm bảo ưu tiên cho các địa bàn khó khăn nhất. Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tổ chức thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền rõ ràng, tránh tình trạng cấp huyện vẫn tiếp tục làm thay, làm hộ cho cấp xã…
Riêng đối với nhóm chính sách do NHCSXH thực hiện cần bảo đảm tối đa về nguồn lực để ngân hàng triển khai cho vay các chương trình. Mức vay cũng cần phải nâng lên để phù hợp với thực tiễn thị trường. Thời gian vay cũng cần điều chỉnh, nhất là đối với các chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài và ảnh Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Bài 3: “Chìa khóa” giảm tỷ lệ tái nghèo
- » Bài 2: Ấn tượng nhưng chưa bền vững
- » Bài 1: Giảm nghèo - Chuyện của Việt Nam và bài học của thế giới
- » Xuân ấm xứ Nghệ
- » Xuân về trên vùng núi cao Yên Bái
- » Trái ngọt mùa xuân từ nguồn vốn chính sách
- » Thơ "Em tròn mười tám"
- » Hành trình của niềm tin và sứ mệnh vì người nghèo
- » Tăng công lực cho phương thức truyền tải nguồn vốn chính sách
- » Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020: 10 NĂM VÀ NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC