Bài 1: Giảm nghèo - Chuyện của Việt Nam và bài học của thế giới

13/02/2021
(VBSP News) Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) trong xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn vào năm 2015. Kể từ đó đến nay, công cuộc xóa đói giảm nghèo ngày càng nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tính riêng từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đã có 6 triệu người thoát khỏi nghèo đa chiều (tương đương giảm từ 8% xuống còn 4%). Theo Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen, đây là thành tựu lớn của Việt Nam, được Liên Hợp Quốc và nhiều nước trên thế giới coi là bài học về giảm nghèo.
Bai-1--Giam-ngheo-chuyen-cua-Viet-Nam

Chính sách tín dụng ưu đãi - công cụ giảm nghèo của Chính phủ đã làm thay đổi căn bản cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa

Từ đói, rét bủa vây…

Hơn 10 năm trước, nếu ai đã từng đến Lai Châu, từng yêu mến vẻ đẹp rực rỡ của núi rừng Tây Bắc, hẳn sẽ không thể quên cuộc sống khốn khó của những người dân tộc Cống, Mảng, La Hủ nơi đây. Trong đó, người Mảng và người La Hủ là hai dân tộc nghèo, khó khăn nhất cả nước và thường được gọi với cái tên “Xá Lá Vàng”. Trước đây, người Mảng và người La Hủ đều có lối sống lang thang giữa núi rừng, tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào săn bắn, hái lượm.

Họ đã từng có một quá khứ dài với cái đói, cái rét.

Theo chân Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu Trịnh Trọng Tấn, chúng tôi tới thăm gia đình Pờ Mò Xá, dân tộc La Hủ ở bản Sín Chải, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè đã từng sống trong quá khứ dài với đói, rét. Gia đình Xá có 5 anh em thì 2 người đã chết vì đói, rét. Tuổi thơ của Xá là một chuỗi ngày lang thang theo cha mẹ khắp vùng Pa Vệ Sủ để kiếm củ nâu, củ mài thay cơm. Đến tận năm 16 tuổi, anh Xá mới biết mặc quần và cũng mới biết thế nào là hạt muối; 18 tuổi lấy vợ, Xá cũng phải mất thêm chục năm nữa mới đưa vợ và 4 đứa con rời rừng về sống tập trung ở bản Sín Chải B.

Cảnh cùng quẫn này cũng là điểm chung của dân tộc người Mảng, người Cống và người Cơ Lao ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Theo số liệu thống kê, trước giai đoạn 2010, tỷ lệ đói nghèo khu vực đồng bào người Cống ở Điện Biên và người Cơ Lao ở Hà Giang là hơn 80%, gấp 3 lần so với mặt bằng chung của các dân tộc khác. Thu nhập bình quân đầu người không vượt quá 1,5 triệu đồng/năm. Hơn nữa, do nhận thức hạn chế nên nhiều hủ tục, tệ nạn như nghiện thuốc phiện, nghiện rượu, hôn nhân cận huyết… làm 4 tộc người trên giảm sút về thể lực và trí tuệ, tụt hậu so với nhiều dân tộc khác trên cùng địa bàn.

Tại khu vực Tây Nguyên, nơi có 47 DTTS cùng cư trú và cũng là vùng khó khăn thứ hai của Việt Nam. Cuộc sống đồng bào nơi đây đã từng khiến một sử gia nước ngoài thốt lên: “Nếu không có người Thượng thì ai khiêng Tây đi, ai gánh đá lát đường…”. Đây được coi là bức tranh tả thực sinh động nhất, phản ánh phần nào thân phận của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong những năm tháng đất nước còn chịu cảnh áp bức, nô lệ. Đến nay dù đã thoát khỏi cảnh thiếu đói nhưng tỷ lệ hộ nghèo khu vực này vẫn chiếm trên 7%, mức cao so với trung bình cả nước.

…đến đột phá ở vùng nghèo, lõi nghèo

Một câu hỏi luôn được bạn bè quốc tế đặt ra là điều gì khiến Việt Nam với xuất phát điểm thấp cả về thế và lực nhưng lại có bước bứt phá ấn tượng trong giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là những năm gần đây. Vậy điều gì khiến chúng ta làm được như vậy?

Theo Tổng cục Thống kê, đến tháng 10/2019, tỷ lệ hộ nghèo trong tổng số hộ DTTS là 22,2%. Trong đó, 13 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% gồm: Mông 52,7%, Bru Vân Kiều 56,1%, Khơ Mú 51,5%, Co 57,1%, Kháng 51,5%, Xinh Mun 65,3%, La Hủ 74,4%, Lô Lô 53,9%, Chứt 60,6%, Mảng 66,3%, Pà Thẻn 50,2%, Cống 54%, Ơ Đu 56,7%.

Trên thực tế, ngay từ khi thành lập nước, xóa đói giảm nghèo luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Quan điểm này đã trở thành đường lối, chiến lược xuyên suốt của Đảng qua các kỳ đại hội. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã ban hành 140 văn bản chỉ đạo định hướng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo. Trong đó, có 3 Nghị quyết của Quốc hội: Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và gần đây nhất là Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, nhiều địa phương ban hành bổ sung chính sách đặc thù với mức hỗ trợ cao hơn cho địa bàn nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Các chính sách từ Trung ương đến địa phương đã công phá mạnh mẽ vào các vùng nghèo, lõi nghèo, nhất là 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước. Nếu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của cả nước là 15,10% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo là gần 10%) thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%; vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Riêng tại các huyện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 63,26% thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ này giảm còn 27,85%. Đến nay, có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 2,75%.

Có thể thấy, Nghị quyết 76/2014/QH13 ra đời đã đánh dấu một bước chuyển trong việc chuyển đổi mục tiêu, điều chỉnh chính sách, nhất là chuyển đổi sang phương pháp đo lường nghèo đa chiều, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW. Việc hỗ trợ đã giảm từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; các chính sách được tích hợp lại theo hướng tinh gọn, không dàn trải… nhờ đó, chúng ta đã thu được kết quả thật sự ấn tượng trên cả 4 nhóm chính sách: Thu nhập, việc làm; bảo hiểm xã hội; các dịch vụ xã hội cơ bản và chính sách trợ giúp xã hội. Đời sống người nghèo được nâng lên rõ rệt; khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng ngắn lại; trật tự xã hội ổn định và quan trọng hơn cả là niềm tin vào Đảng, vào chế độ của nhân dân ngày càng được củng cố.

(Đón đọc bài 2 - Ấn tượng nhưng chưa bền vững)

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác