Trái ngọt mùa xuân từ nguồn vốn chính sách

12/02/2021
(VBSP News) Năm mới đang về trong cái lạnh se se hiếm hoi ở vùng đất Khánh Hòa hầu như quanh năm nắng gió. Những ngày này, các gia đình đã rục rịch lo chuẩn bị Tết. Trong niềm vui chào đón năm mới của mọi người, mọi nhà sự có đóng góp của những đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đón xuân mới hạnh phúc đủ đầy.
1.-trai-ngot-mua-xuan

Nông dân trên địa bàn TP Cam Ranh vay vốn ưu đãi chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng xoài

Nở rộ trái ngọt
Huyện Khánh Vĩnh là một trong hai huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Khánh Hòa, người dân chủ yếu sống nhờ vào chăn nuôi, làm rẫy. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi da xanh, kinh tế nông nghiệp của địa phương đã có những khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên. Bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, NHCSXH huyện Khánh Vĩnh đã tập trung nguồn vốn để cho bà con vay phát triển các cây trồng chủ lực, gồm: bưởi da xanh, sầu riêng, xoài và mít mang lại giá trị kinh tế cao; ngoài ra, cho vay vốn đầu tư chăn nuôi bò, trâu, trồng keo… Qua đó, nguồn vốn từ NHCSXH giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Chúng tôi đến thăm vườn bưởi da xanh hơn 1ha của gia đình ông Khá, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh. Trong vườn, nhiều cây bưởi đầy trái căng mọng bán vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Ông Khá phấn khởi nói, với 50 gốc đang cho trái, dự kiến, Tết này gia đình thu hoạch 2 tấn bưởi, thu về khoảng 70 triệu đồng, không những Tết no đủ còn để dành để tiếp tục đầu tư. Trước đây, trên diện tích 1,2ha đất của gia đình, ông trồng mì, bắp, mè, xoài Úc nhưng hiệu quả không cao. 7 năm trước, gia đình ông bắt đầu chuyển sang trồng bưởi da xanh. Hợp thổ nhưỡng, khí hậu, lại được tưới dòng nước mát từ suối Hòn Lay, cây bưởi da xanh phát triển cho thu nhập tốt nhất trong các loại cây trồng. Gia đình ông quyết định vay 20 triệu đồng từ NHCSXH để trồng thêm. Tích cóp mở rộng dần, vườn bưởi gia đình ông đã lên đến 300 cây. Có lúc rộ, vườn bưởi cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/tháng. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì cơn bão số 12 năm 2017 khủng khiếp đã tàn phá cả vườn bưởi, chỉ còn lại 40 gốc. Cả gia đình bàng hoàng nhưng với niềm tin “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, ông tiếp tục vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để khôi phục sản xuất.
Cả gia đình vừa dồn sức chăm sóc số bưởi còn lại, vừa gom góp đầu tư thêm. Đến nay, cả vườn bưởi của gia đình đã có 350 gốc, trong đó, 50 gốc đang cho trái, số còn lại là bưởi tơ sẽ có trái trong 1 - 2 năm tới. Bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh ngọt, ruột đỏ, da xanh, bóng và vỏ mỏng. Hái trái bưởi đãi khách, ông Khá cho biết, bưởi da xanh thu hoạch quanh năm chứ không chỉ vào dịp Tết nên nguồn thu ổn định. Vườn bưởi xuất bán cho thương lái tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Với giá bán thương lái mua tại vườn trung bình 30 - 35 nghìn đồng/kg lúc thấp cũng 27 - 28 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi cây bưởi 5 năm tuổi cho thu nhập 6 - 7 triệu đồng/năm, ít cũng được 4 triệu đồng/năm. Từ Khánh Vĩnh, bưởi da xanh của gia đình ông là một trong vài hộ được chọn tham gia phiên chợ nông sản của tỉnh, tổ chức tại TP Nha Trang, được người mua ủng hộ. Ông Khá chia sẻ: “Nguồn vốn của NHCSXH đã hỗ trợ gia đình từ những ngày đầu bén duyên với cây bưởi, sau đó, tiếp tục trợ giúp gia đình vượt qua khó khăn, khôi phục lại vườn bưởi. Với nguồn thu ổn định, gia đình luôn trả lãi và gửi tiết kiệm đều hàng tháng”.
Những ngày này từ thành phố biển Nha Trang, chúng tôi ngược hơn 100km lên huyện miền núi Khánh Sơn. Đây là huyện nghèo với con đường đèo độc đạo cao vời vợi. Toàn huyện có hơn 25.000 người, trong đó gần 19.000 đồng bào DTTS, hầu hết là người dân tộc Raglai. Người đồng bào DTTS quen quanh năm lên nương “phát, đốt, chọc, tỉa” trồng cây mì, cây bắp nên thu nhập thấp. Thế nhưng, những năm gần đây, nhờ định hướng đúng, huyện Khánh Sơn trở thành thủ phủ cây ăn quả của tỉnh Khánh Hòa, với thương hiệu sầu riêng nổi tiếng. Đây là loại cây trồng mang lại thu nhập rất cao. Cây sầu riêng đã làm thay da đổi thịt vùng đất này, đời sống người đồng bào nâng lên rõ rệt.
Anh Cao Mai Hùng, người dân tộc Raglai, ở thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn cho biết, trước đây gia đình anh thuộc hộ nghèo nên được NHCSXH cho vay vốn 20 triệu đồng để nuôi bò. Thấy cây sầu riêng mang lại thu nhập cao, gia đình anh gom góp về trồng. Đến năm 2017, vừa thoát nghèo, gia đình tiếp tục vay 50 triệu đồng kênh vốn tín dụng chính sách dành cho hộ cận nghèo để trồng thêm sầu riêng và bưởi da xanh. Hiện nay, gia đình trồng hơn 8 sào sầu riêng, trong đó, 60 cây đã cho quả, 80 cây trồng thêm năm 2019 cùng bưởi da xanh đều phát triển tốt. Gia đình anh còn nuôi 6 con bò và 2 con heo đen. Năm nay, tuy trời nắng hạn khiến sản lượng giảm và dịch Covid-19 là giá nông sản thấp hơn mọi năm nhưng chỉ tính thu nhập từ cây sầu riêng cũng được 96 triệu đồng. Anh Hùng cho biết: “Gia đình tôi biết ơn người vốn ưu đãi của Chính phủ và nhờ sử dụng đúng mục đích gia đình đã thoát nghèo, nuôi các con ăn học, cuối năm có tiền lo Tết đầy đủ. Nguyện vọng của gia đình là tiếp tục được vay thêm vốn để trồng thêm cây và đầu tư hệ thống tưới để chăm sóc cây tốt hơn”.
Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng chính sách
Ông Hồ Đắc Thích - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng với chất lượng tốt, NHCSXH đã thực hiện phương thức ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, duy trì giao dịch cố định tại Điểm giao dịch xã trong toàn tỉnh. Nhờ triển khai và  tổ  chức  thực  hiện nghiêm túc các cơ chế, nghiệp vụ; vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng, hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, trả nợ đúng hạn, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,25% tổng dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay để mua sắm vật tư, cây, con giống phục vụ sản xuất, mua sắm máy móc, thiết bị, ngư lưới cụ, khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống đầu tư SXKD, tạo việc làm… Qua đó, góp phần làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS theo hướng sản xuất hàng hóa, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 3.112 tỷ đồng, với 134.352 hộ gia đình thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các chương trình đặc thù của tỉnh. Vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay để phát triển SXKD, tạo việc làm hơn 28.602 hộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 5.101 hộ thoát nghèo; 3.387 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường; tạo 3.870 việc làm. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách còn cho các hộ nông dân vay xây dựng mới, cải tạo 80.461 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; tạo điều kiện cho 491 hộ vay được an cư theo nhờ chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ… Đặc biệt, năm 2020, NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với kết quả cụ thể…
Thông qua thực hiện tín dụng chính sách đã gắn kết cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội với nhân dân, thu hút các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo và đối tượng chính sách thoát khỏi tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, xã hội; nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để tạo thu nhập, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, làm cho nông thôn khởi sắc, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương; hạn chế nạn cho vay nặng lãi; gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 của Đoàn khảo sát Trung ương trong chuyến làm việc tại tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của tỉnh Khánh Hòa cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Khánh Hòa đã tranh thủ tốt nguồn vốn Trung ương và huy động được nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác để cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vay, chương trình cho vay nhà ở xã hội tuy mới triển khai nhưng đạt kết quả tốt; chất lượng tín dụng tương đối ổn định. Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh và cấp huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn.
Để duy trì và phát huy kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW; tích cực tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH thực hiện tốt vai trò quản trị trong hoạt động tín dụng chính sách; đặc biệt chủ tịch UBND cấp xã, là thành viên Ban đại diện, thực hiện tốt vai trò trong chỉ đạo rà soát, xác nhận đối tượng thụ hưởng, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách tại cơ sở, tổ chức lồng ghép các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả gắn với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách.
Các cơ quan, Ban, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung các nguồn lực tài chính, tham gia cùng nguồn vốn tín dụng chính sách để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Các tổ chức chính trị - xã hội tích cực phối hợp, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; bồi dưỡng kiến thức sản xuất, chăn nuôi, định hướng cây trồng, vật nuôi cho người vay vốn; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm trong sinh hoạt để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Bài và ảnh Nam Du

Các tin bài khác