Đồng Tháp tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với vốn chính sách
Với phương châm “Trao cần câu, không trao con cá”, các hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã “tiếp vốn” đến tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, tạo động lực cho các hộ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Để tạo điều kiện cho các đối tượng “cần vốn làm ăn” tiệm cận với các nguồn vốn chính sách, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên. Từ đó, kịp thời giải ngân vốn vay giúp các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách đầu tư sản xuất.
Hoàn cảnh khó khăn nhưng không đầu hàng số phận, trông chờ vào trợ cấp xã hội, vợ chồng bà Trương Thị Điệp và ông Lê Văn Đậm ở ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã để mua giống kiệu và thuê lao động để trồng 3.000m² kiệu. Có vốn vay nhưng với lãi suất thấp, gia đình bà Điệp và gia đình ông Đậm an tâm làm ăn, xuống giống bắt đầu vụ Mùa. Hiện tại, mục tiêu lớn nhất của gia đình bà là vươn lên, trả lại sổ nghèo trong 1-2 năm tới.
Bà Điệp cho biết trước kia với công việc thuê mướn mưu sinh bấp bênh “nay có mai không” nên “cái nghèo vẫn đeo bám. Thời gian khủng hoảng nhất đối với gia đình là khi “vay nóng” bên ngoài để làm ăn, ngoài nỗi lo về cái ăn cái mặc, nỗi canh cánh lớn nhất là khoản tiền lãi mỗi khi đến kỳ hạn. Theo đó, bình quân với 1 triệu đồng tiền vay, hàng tháng lãi suất phải trả từ 30.000-50.000/tháng.
Trong cuộc bình xét vay vốn vào tháng 8/2020 của Hội Phụ nữ ấp K9, xã Phú Đức, chị Phan Thị Thu Hương - hộ nghèo trong xã đã được giải ngân lần hai với số vốn 40 triệu đồng để bắt đầu trồng 4.000m² chanh và buôn bán nhỏ. Chỉ riêng công việc buôn bán hàng ngày cũng giúp chị có thu nhập ổn định khoảng 150.000 đồng/ngày và dự định khoảng 4 - 5 tháng sẽ tăng thêm thu nhập từ trái chanh.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Đức Phạm Thị Loan cho biết: Phú Đức là xã thuần nông của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Riêng tại đơn vị Hội, hiện có tổng dư nợ gần 11 tỷ đồng, với 524 hộ vay vốn.
Quy trình bình xét cho vay sẽ được tổ chức công khai, dân chủ tại 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã do hội quản lý, qua đó thẩm định điều kiện và mục đích cho từng trường hợp để xét vay từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng/hộ vay. Tất các giao dịch về hồ sơ, nhận vốn, đóng lãi, trả nợ đều được thực hiện ở Điểm giao dịch tại UBND xã Phú Đức vào ngày cố định hàng tháng, ngay cả cuối tuần hay nghỉ lễ. Khoảng cách gần, thủ tục đơn giản lại được giao dịch trực tiếp với các giao dịch viên giúp người dân tiết kiệm về thời gian và an tâm hơn.
Nhờ đó, đa phần người dân trên địa bàn vay để chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ.
Sau thời gian giải ngân, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp sẽ đến tìm hiểu thực tế từng hoàn cảnh, kiểm tra nguồn vốn, hướng dẫn các phương thức làm ăn, để nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả. Điều đáng phấn khởi nhất là năm 2020 toàn xã chỉ còn 147 hộ nghèo (giảm khoảng 230 hộ so với năm 2019).
Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Tháp Lại Văn Bé Chín cho biết: Hiện, toàn tỉnh Đồng Tháp có 11 Phòng giao dịch thực hiện cho vay tại địa bàn. Ngoài ra, đơn vị đã đặt 135/143 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn cùng 8 Điểm giao dịch tại trụ sở ngân hàng. Đây là điều kiện thuận lợi nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay được dễ dàng.
Mô hình Điểm giao dịch xã đã giúp tiết kiệm rất lớn chi phí đi lại của người dân. Thay vì hàng tháng các hộ dân có nhu cầu giao dịch phải đi đến trụ sở ngân hàng ở trung tâm huyện, với mô hình này người dân chỉ cần đến ủy ban nhân dân cấp xã vào ngày giao dịch cố định hàng tháng và giao dịch trực tiếp với các nhân viên ngân hàng thuộc tổ giao dịch lưu động.
Tín dụng chính sách đã trở thành một kênh tín dụng hiệu quả với lãi suất ưu đãi (tối thiểu từ 3 - 9%/năm tùy theo từng chương trình), hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, đẩy lùi tín dụng đen. NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đang quản lý hơn 3.250 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với bình quân dư nợ 1.067 triệu đồng/tổ.
Mỗi Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ có quy ước hoạt động và thống nhất mức tiền gửi. Việc huy động tiền gửi qua Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ tạo thói quen cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tích lũy tiền, qua đó tạo nguồn vốn để trả nợ khi món vay đến hạn hoặc tạo nguồn để trả lãi khi hộ vay gặp khó khăn chưa trả được lãi cho ngân hàng.
Ngoài ra, việc huy động tiền gửi cũng tạo hiệu ứng cộng đồng, tạo sự thi đua giữa các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng nhau tham gia gửi tiền, cũng như tính tương trợ trong việc vay vốn, trả nợ.
Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục nhiều giải pháp nhằm đưa được nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng vốn kịp thời cho các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay.
Mặt khác, mở các lớp đào tạo để nâng cao nghiệp vụ ủy thác, ủy nhiệm cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn; ứng dụng hiện đại hóa tin học trong hoạt động tín dụng chính sách, nhằm đưa nguồn vốn đến hộ dân một cách nhanh chóng kịp thời, tạo nhiều kênh trao đổi thông tin để phổ biến tuyên truyền vốn tín dụng chính sách, bên cạnh đó nắm bắt kịp thời nhu cầu, cũng như khó khăn, vướng mắc của hộ dân để kịp thời tháo gỡ.
Giai đoạn 2016 - 2020, đã có hơn 186 nghìn lượt hộ vay được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách với tổng số tiền hơn 4.230 tỷ đồng. Qua đó đã giải quyết nhu cầu vay vốn cho hơn 19 nghìn hộ nghèo, trên 13,6 nghìn hộ cận nghèo, gần 45 nghìn hộ mới thoát nghèo để chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, cùng nhiều đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn tín dụng chính sách. Từ đó đã giúp cho gần 37 nghìn lượt hộ thoát nghèo. |
Bài và ảnh Chương Đài/TTXVN
Các tin bài khác
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn - “Cánh tay nối dài” của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu
- » Hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh
- » Khởi sắc đời sống đồng bào Khmer
- » Giúp người dân vươn lên thoát nghèo
- » Đồng hành cùng bà con thoát nghèo
- » Doanh nghiệp đầu tiên được vay gói hỗ trợ Covid-19 tại Quảng Ngãi
- » Tôn vinh phụ nữ tiêu biểu ngành Ngân hàng giai đoạn 2015-2020
- » PHONG TRÀO PHỤ NỮ HAI GIỎI: Chuyện về những người thắp lửa và giữ lửa
- » Thi đua để đưa tín dụng chính sách đóng góp tích cực vào giảm nghèo bền vững
- » Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII