Đồng Tháp giảm nghèo nhanh, bền vững từ nguồn vốn chính sách

18/11/2019
(VBSP News) Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, quy định về hoạt động tín dụng chính sách và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, hội, đoàn thể với NHCSXH các cấp trên địa bàn. Đây chính là tiền đề giúp vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long nâng cao chất lượng tín dụng, tạo được hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH được chuyển tải kịp thời giúp người dân tỉnh Đồng Tháp vươn lên làm giàu chính đáng

Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH được chuyển tải kịp thời giúp người dân tỉnh Đồng Tháp vươn lên làm giàu chính đáng

Tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đến nay đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 64 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng 09 tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đã bổ sung 16 tỷ đồng ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng tổng nguồn vốn địa phương ủy thác lên 299 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,5%/tổng nguồn vốn trên địa bàn. Đặc biệt ở các huyện biên giới, các xã vùng sâu, vùng xa, nguồn vốn ưu đãi đã kề vai sát cánh với người nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,4%/năm, tăng thu nhập hộ nghèo khoảng 1,74%.
Đông đảo hộ vay vốn đã thay đổi cách thức, nhận thức để làm ăn sản xuất phát triển nhiều các mô hình kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu là Ông Phạm Kim Vện ở ấp Tĩnh Hưng, xã Cần Thới, huyện Cao Lãnh đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo không có đất sản xuất phải đi làm thuê; được Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tĩnh Hưng bình xét cho vay vốn, gia đình ông Vện được vay 107 triệu đồng từ NHCSXH để lo cho con trai Nguyễn Thanh Trí đi lao động 3 năm tại Hàn Quốc. Nhờ siêng năng làm việc, đến nay, con ông đã gửi về giúp đỡ gia đình hoàn lại cả gốc, lẫn lãi. Cùng với đó, vợ chồng ông cũng thâm canh vườn xoài, cấy lúa cao sản nên thu nhập khấm khá hơn, vươn lên thoát nghèo.
Cũng giống như ông Vện, gia đình bà Nguyễn Thị Bé Hai được vay vốn từ NHCSXH huyện Cao Lãnh với số tiền 50 triệu đồng. Với nguồn vốn ưu đãi vay, bà quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp trồng thêm các loại rau màu, chanh không hạt, xoài Cát Chu. Do tích cực áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đến nay bà đã có một cơ ngơi bao gồm 4 công mẫu xoài, 5 sào rau xanh 4 mùa, đàn gia súc gia cầm 300 con, thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm.
Giám đốc NHCSXH huyện Cao Lãnh, Trần Thanh Trúc cho biết, đến hết tháng 9/2019, tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt 276 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt hơn 12 tỷ đồng với hơn 500 hộ vay vốn; cho vay hộ nghèo đạt hơn 50 tỷ đồng với hơn 3.000 hộ vay vốn; cho vay hộ cận nghèo đạt trên 38 tỷ đồng với hơn 1.700 hộ vay vốn; cho vay NS&VSMTNT đạt gần 59 tỷ đồng với hơn 7.000 hộ vay vốn. Hàng tháng, các hộ vay đều nộp lãi, trả nợ đúng kỳ hạn, tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ. Việc bình xét cho vay đều diễn ra công khai, minh bạch, công bằng, có sự giám sát của chính quyền, đoàn thể cơ sở. Song song đó, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát việc sử dụng nguồn vốn đang vay đúng mục đích, đôn đốc thu nợ đến hạn và phấn đấu không có nợ quá hạn và lãi tồn. Hiện, toàn tỉnh có 3.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 161 nghìn hộ vay vốn, dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng.
Chính vì được sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp ngành ở tỉnh Đồng Tháp đã tạo cho NHCSXH nâng cao chất lượng hoạt động; nhân dân được hưởng lợi hơn, có thêm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống. Điển hình là xã vùng lũ Trường Xuân, huyện Tháp Mười đã có 698 lượt hộ vay vốn tiếp cận trên 20 tỷ đồng vốn chính sách phát triển các mô hình thâm canh đồng lúa, đầm sen, nuôi cá bè, đi lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… Gia đình chị Dương Thị Đang ở ấp Kênh Hội đã vay 45 triệu đồng chương trình hộ nghèo từ NHCSXH để xây dựng mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá. Từ tiền bán cá, hoa sen, hạt sen, chị Đang trả nợ, lãi đúng kỳ hạn cho ngân hàng, thoát nghèo và đầu tư mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi, phấn đấu làm giàu ngay trên vùng sông nước phương Nam.
Cũng như chị Đang, ông Võ Phước Long ở ấp 6A đã sử dụng hiệu quả vốn vay từ NCHSXH huyện Tháp Mười đầu tư thâm canh 2 mẫu lúa nếp giống Dạ Hương và cho 2 người con trai sang Nhật Bản học và làm việc từ năm 2015. Đồng ruộng được mùa, được giá, con cái chăm chỉ lao động dành dụm tiền gửi về nước, đến nay gia đình ông tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Thực tế cho thấy, diện mạo xã Trường Xuân nói riêng và các làng xã khác ở tỉnh Đồng Tháp nói chung đã thay đổi rõ rệt. Người dân được vay vốn thuận lợi, kịp thời, tiếp thu cách thức làm ăn mới, phấn chấn thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập, làm giàu chính đáng.
Phát huy những thành quả đạt được, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp; lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, các làng nghề truyền thống trong nông thôn, dự án khả thi nhằm phát triển kinh tế - xã hội mang tính thiết thực, hiệu quả cao. Trong đó đáng kể nhất là tập trung ưu tiên nguồn vốn chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác