Động lực mới giúp Hà Tĩnh giảm nghèo bền vững
Đồng chí Lê Đình Sơn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tăng đến 3 lần nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách ủy thác của tỉnh và huyện, thị, thành phố trực thuộc đến nay đạt 105 tỷ đồng, tăng 69 tỷ đồng so với cuối năm 2014, góp phần nâng tổng dư nợ toàn tỉnh lên trên 4.500 tỷ đồng. Đây là một nét mới, đặc thù trong công tác chỉ đạo và thực hiện chủ các trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các Sở, ban ngành của địa phương, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách về tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ven biển; đồng thời tập trung đầu tư các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép cách thức sử dụng vốn vay chính sách với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.chuyển đổi những thửa ruộng, cây cối năng suất thấp sang vườn cây ăn quả đặc sản, trồng rừng keo, trầm gió đạt giá trị kinh tế cao.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, 05 năm qua, hàng nghìn hộ gia đình ở 28 xã, thị trấn trong huyện Đức Thọ có điều kiện chủ động đầu tư phát triển SXKD, lựa chọn xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả. Ví như tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi của CCB Trần Ngọc Lâm ở thôn Đông Lạc, xã Đức Lạc từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo đã phát triển trang trại chăn nuôi 1000 con vịt đẻ trứng, thâm canh vườn rau sạch, thu nhập 200 triệu - 300 triệu đồng/năm; hay hộ gia đình Nguyễn Thị Thưa ở thôn Qúy Hiên, xã Đức Thịnh vay vốn NHCSXH để trang trải chi phí cho 3 cô con gái theo học các trường đại học ngoài Hà Nội. Hiện các con chị đã tốt nghiệp, có việc làm, thu nhập, giúp bố mẹ trả xong nợ vay ngân hàng trước kỳ hạn và còn đầu tư mở rộng xưởng chế biến đồ gỗ dân dụng.
Một tấm gương khác về sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả mà chúng tôi được “tai nghe, mắt thấy” là anh Trần Văn Đương ở xã Hòa Hải. Sinh ra, lớn lên ở vùng quê đất đồi sỏi đá, được coi là “chảo lửa, túi mưa” thuộc huyện miền núi Hương khê, nên đời sống gia đình gặp khó khăn. Không cam chịu hoàn cảnh, vợ chồng anh Đương tìm đến vùng đất biên giới Việt Lào khai hoang lập nghiệp. Theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Đương trồng các loại cây sắn, ngô phục vụ cuộc sống gia đình, sau khi có thu nhập mới đầu tư mua gần trăm cây cam, cây bưởi về trồng. “Hy vọng sau mùa thu hái đầu tiên, cuộc sống của gia đình sẽ vơi bớt nghèo khó, ai ngờ năm 2015 gặp đợt lũ dữ tàn phá hết cả ruộng vườn, cây cối. Chưa kịp gượng dậy, năm sau, mưa to bão lớn cuốn phăng cả căn nhà ở”, anh Đương kể lại. Cùng nghị lực bền bỉ của bản than, sự động viên của anh em bạn bè, sự giúp đỡ của chính quyền, đặc biệt là vốn vay chính sách, vợ chồng anh mạnh dạn mở rộng diện tích đồi trọc, trồng 2ha bưởi Phúc Trạch, 8ha keo lá chàm, cải tạo ao đầm nuôi tôm, cá. 02 năm qua, mô hình vườn ao chuồng của anh cho thu nhập ổn định, từ 50 - 300 triệu đồng/năm. Mọi người trong gia đình ai cũng an tâm sinh hoạt, sản xuất bởi đã có biện pháp thích hợp bảo vệ tính mạng, mùa màng mùa mưa lũ.
Trên vùng cao biên giới Hương Khê, không chỉ có anh Đương mà còn có hơn 1.000 hộ sử dụng vốn vay chính sách làm kinh tế vườn đồi, vườn cam Vinh, bưởi Phúc Trạch là 1600ha, đạt mức thu nhập 200 tỷ đồng/năm, góp phần giúp toàn huyện hoàn thành trước thời gian Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2015 - 2020.
Với kết quả trên, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Việc tổ chức thực hiện đó cả ý thức lẫn hành động, luôn sáng tạo, đầy đủ, đúng đắn từ khâu tập trung huy động nguồn lực, tạo lập nguồn vốn chuyển tải vốn kịp thời đến đúng đối tượng, đến đổi mới phương thức đầu tư trực tiếp tại mạng lưới 262 Điểm giao dịch xã, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua hệ thống hội đoàn thể làm nhiệm vụ ủy thác và hệ thống 3.558 Tổ tiết kiệm và vay vốn đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ trong mọi hoạt động tín dụng chính sách, tạo thành một động lực mới thúc đẩy chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao cuộc sống nhân dân.
Bài và ảnh Đông Dư
Các tin bài khác
- » Hỗ trợ giúp gần 72.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài cuối - Bài học kinh nghiệm từ cơ sở)
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 3 - Nhiều cách làm sáng tạo trên đất sen hồng)
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 2 - Nuôi giấc mơ đến trường ở vùng quê nghèo)
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 1 - Gieo vốn trên đỉnh mây ngàn)
- » 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Đồng Tháp: Nhân lên niềm tin
- » Quỹ Châu Á khảo sát, đánh giá dự án Mobile banking giai đoạn 2
- » Nghiệm thu đề tài “Xây dựng phần mềm ứng dụng cảnh báo phòng ngừa rủi ro tín dụng trong hoạt động của NHCSXH”
- » NHCSXH nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp hệ thống
- » NHCSXH chúc mừng Hội LHPN Việt Nam nhân ngày 20 - 10