05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Đồng Tháp: Nhân lên niềm tin

30/10/2019
(VBSP News) Một chính sách ra đời vì người nghèo và đối tượng yếu thế. Một chính sách thay vì bao cấp, cho không nay đã được các địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Tháp triển khai thành công trong việc tạo ý thức có vay - có trả. Một chính sách đã kết nối các lực lượng dân - chính - Đảng thành một khối đoàn kết, thống nhất và nhân lên niềm tin trong toàn xã hội…
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp những phụ nữ nghèo ở HTX Thủ công Mỹ nghệ 20 - 10 tự tin làm chủ cuộc sống

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp những phụ nữ nghèo ở HTX Thủ công Mỹ nghệ 20 - 10 tự tin làm chủ cuộc sống

Đi trước Chỉ thị
Việc gì có lợi cho dân thì làm! Mà phàm những việc có lợi cho dân thì lãnh đạo cũng có lợi về nhiều mặt: Sẽ ổn định được xã hội; được nhân dân tín nhiệm, tin tưởng đi theo, làm theo… và nói chung, sẽ hoàn thành được sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Cũng chính bởi suy nghĩ đó nên trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng đã có những cách làm khá khác biệt. Sự khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ngay trong ý thức của người đứng đầu địa phương - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Theo ông, làm bất kỳ công việc gì mà thẩm thấu được giá trị của nó thì khi ấy sẽ làm một cách tự giác, làm một cách đam mê, làm không biết mệt mỏi. Khi ấy mới sát sao, mới sáng tạo, mới trút hết nhiệt huyết vào công việc, mới đạt được hiệu quả cao.
Từ suy nghĩ này đã khiến Đồng Tháp có những bước đi trước cả Chỉ thị số 40. Bởi tại thời điểm năm 2014, khi Chỉ thị chưa ra đời, địa phương này đã ủy thác hơn 52 tỷ đồng qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 30/6/2019, con số này đã lên tới 330,8 tỷ đồng, tăng 278,5 tỷ đồng.
Cho rằng, “giải ngân được nguồn vốn tín dụng để bà con mình thoát khỏi nghèo khó mới chỉ là một nửa giá trị mà thôi. Giá trị sâu xa hơn của chương trình chính là tạo dựng niềm tin từ những người dễ bị tổn thương”. Theo Bí thư Lê Minh Hoan, một khi con người bị tổn thương thì dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống vì có cảm giác mình bị “bỏ rơi lại phía sau đoàn người tiến về phía trước”. Những cảm xúc tiêu cực sẽ níu kéo từng bước chân, ức chế từng suy nghĩ của bà con mình. Sâu xa hơn, những cảm xúc tiêu cực chất chứa qua thời gian đến một ngày nào đó, một thời điểm nào đó, ở đâu đó có thể bùng phát thành những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Ngoài ra, những cảm xúc tiêu cực có thể còn truyền lại cho đời con, đời cháu. Nghèo khó lại đẻ ra đói nghèo!
Do vậy, một nửa giá trị còn lại đã được Bí thư Lê Minh Hoan tạo dựng trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Trong đó, nổi lên là công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tỉnh đã hỗ trợ ngân sách cho vay thông qua NHCSXH với tất cả hộ gia đình có lao động đi làm việc ở nước ngoài chi phí khám sức khỏe, học định hướng và hỗ trợ cho vay từ 80% - 90% chi phí; những trường hợp khó khăn được cho vay đến 100% chi phí. Nửa giá trị này sẽ mang lại cho người vay kiến thức, kỷ luật lao động, kinh nghiệm làm việc và tất nhiên, mang lại cả giá trị kinh tế.
Biết trăn trở trước mọi khó khăn
Tại buổi nói chuyện với cán bộ NHCSXH tỉnh Đồng Tháp nhân Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, Bí thư Lê Minh Hoan cho rằng, làm công tác tín dụng chính sách xã hội luôn chịu nhiều áp lực. Nào là, phải tạo điều kiện để giải ngân kịp thời cho bà con. Nào là, phải lo chuyện thu hồi nợ, nhất là những hộ rơi vào hoàn cảnh bất khả kháng, thậm chí là chây ỳ. Khó khăn thì phải biết vượt qua, muốn vậy phải biết “biến công việc thành niềm vui và tìm niềm vui trong công việc”. Làm công tác hỗ trợ tín dụng chính sách phải xuất phát từ chính cái tâm. Phải biết trăn trở trước những mảnh đời nghèo khó. Phải thấu cảm với từng trường hợp yếu thế. Phải biết lường trước mọi rủi ro cho bà con. Người tham gia chương trình lấy niềm vui của bà con làm niềm vui cho mình, lấy hạnh phúc của bà con làm niềm hạnh phúc cho mình.
Những chia sẻ gan ruột đó, thực chất đã và đang được các cán bộ NHCSXH tỉnh Đồng Tháp âm thầm thực hiện. Nó cũng được chính các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn ghi nhận bằng chính việc tin tưởng, đi theo, làm theo chính quyền; bằng việc có ý thức vươn lên, không chây ỳ, trông chờ, ỷ lại; bằng việc quyết tâm “đi làm thuê về làm chủ”.
Theo đánh giá của Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40 đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày càng tốt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các NHTM. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo thêm việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương, đặc biệt góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, 05 năm qua, hội, đoàn thể các cấp cùng với Ban giảm nghèo, NHCSXH thực hiện tốt công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nếu như cuối năm 2014, toàn tỉnh có 4.137 Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân 42 tổ viên/tổ; dư nợ bình quân 524 triệu đồng/tổ thì đến ngày 30.6.2019 toàn tỉnh có 3.317 tổ, 47 tổ viên/Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ bình quân 970 triệu đồng/tổ. Hiện có 1.912 tổ xếp loại tốt, chiếm 57,6% trên tổng số tổ; 896 tổ xếp loại khá, chiếm 27%; tổ xếp loại trung bình 410 tổ, chiếm 12,3%; tổ xếp loại yếu là 99 tổ, chiếm 2,98%. Những con số này cho thấy độ bao phủ cũng như gắn kết chặt chẽ giữa NHCSXH tỉnh Đồng Tháp và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi.
Có thể nói, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách Đồng Tháp đã được hưởng lợi khá nhiều từ chính những trăn trở, lăn lộn của người đứng đầu địa phương cũng như của các cán bộ NHCSXH tỉnh. Tuy nhiên, “chặng đường đưa tín dụng chính sách xã hội đến với bà con nghèo khó còn dài, đòi hỏi từng cấp uỷ đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên liên quan, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều phải luôn tự hào về công việc của mình. Muốn đưa kiến thức đến bà con thì chính mình cũng đừng “tự cho kiến thức của mình là đủ”, mà phải không ngừng học hỏi. Muốn bà con có suy nghĩ mới thì mình cũng phải suy nghĩ mới. Muốn bà con mình kiên trì, nhẫn nại thì chính mình cũng phải nhẫn nại, kiên trì”, Bí thư Lê Minh Hoan tâm niệm.
Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh Food, Nguyễn Chương Phi: Hai lần vay vốn đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi!
Trước tiên xin khẳng định, hai bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời: Một - cơ hội tích lũy được số vốn lớn; Hai - tạo lập được việc làm và thu nhập ổn định, lâu dài của tôi đều nhờ vào nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH.
Sinh trưởng trong gia đình khó khăn ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhưng tôi đã may mắn sớm được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Cao Lãnh. Năm 2014, khi tôi 25 tuổi thì được vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của tỉnh sang NHCSXH để đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh. 3 năm sau trở về nước, tôi có trong tay 600 triệu đồng, đủ để khởi đầu với công việc chế biến hoa quả sấy ở quy mô vô cùng khiêm tốn.
Năm 2017, một lần nữa, nguồn vốn ủy thác của tỉnh sang NHCSXH lại cho tôi vay 400 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Số tiền này đã giúp tôi mở rộng nhà xưởng, nhập thêm máy móc sản xuất. Như vậy, cả hai bước ngoặt lớn trong đời, tôi đều có NHCSXH đồng hành.
Ban đầu, khi quyết tâm đi Nhật, tôi đã ấp ủ mong muốn phải làm điều gì đó cho bản thân, cho gia đình và địa phương. Chính vì vậy, khi về nước tôi quyết định thành lập công ty sản xuất chế biến hoa quả để có thể thực hiện được ước mơ. Công việc thuận lợi, công suất của công ty đã đạt 7 - 8 tấn thành phẩm mỗi tháng nên số lao động thường xuyên của công ty khoảng 20 người với thu nhập từ 5 - 7 triệu/tháng/người. Đồng thời, hiện, mỗi ngày, chúng tôi tiêu thụ cho bà con nông dân quanh vùng và các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau khoảng 60 - 70 tấn củ, quả nguyên liệu các loại; giúp bà con hạn chế cảnh được mùa, rớt giá.
Phó Giám đốc HTX Thủ công Mỹ nghệ 20 -10 xã Bình Thạnh, Nguyễn Công Nghiệp: Nguồn vốn đã giúp phụ nữ yếu thế tự tin làm chủ cuộc sống.
Nói thì đơn giản vậy thôi, nhưng để vượt qua mặc cảm tự ti không hề dễ chút nào đối với những người phụ nữ này!
Năm 2009, để giải quyết nhu cầu việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ nghèo trên địa bàn, Hội Phụ nữ huyện Cao Lãnh thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ 20 - 10. Ban đầu, chỉ có 5 thành viên tham gia với số vốn gom góp từ các nguồn được hơn 100 triệu đồng để sắm sửa máy dệt và thiết bị; nguyên liệu thì tận dụng nguồn cây lát, cây lục bình sẵn có của địa phương để dệt chiếu và các sản phẩm thủ công. Năm 2010, NHCSXH huyện Cao Lãnh đã hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng; năm 2017 cho vay thêm 70 triệu. Nhờ đó, HTX đã sắm thêm máy móc, bảo đảm cung ứng đủ sản phẩm theo hợp đồng với khách hàng.
Anh chị biết đấy, với người nghèo, nguồn vốn có vị trí vô cùng quan trọng. Đôi khi có nghề, biết mối tiêu thụ mà không có tiền để đầu tư sản xuất, người nghèo đành bó tay. Vay ngoài thì lãi cắt cổ; vay NHTM thì không có tài sản thế chấp, rất khổ. Vậy nên, với họ, nguồn vốn này quý hơn vàng. Nó đã giúp HTX sắm sửa trang thiết bị, thu mua nhiên liệu… giữ ổn định sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, chị em có việc làm ổn định; thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Quan trọng nhất, chị em không phải bươn trải, làm thuê, làm mướn; lang thang nay đây, mai đó mà thu nhập không nuôi nổi bản thân.
Về phía HTX, chúng tôi thấy cái được lớn nhất khi chị em tham gia vào HTX là sự tự tin làm chủ cuộc sống, làm chủ gia đình của họ. Chính công việc ổn định, đã giúp chị em giữ lửa hạnh phúc gia đình!
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung, huyện Lấp Vò Đoàn Thanh Hiền: Tín dụng chính sách giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ!
Là một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Lấp Vò nên làm thế nào để giảm nghèo và giảm một cách bền vững luôn là bài toán khó đối với các thế hệ lãnh đạo của xã.
Trên thực tế, tín dụng chính sách đã có mặt ở địa phương chúng tôi gần 20 năm nhưng phải thừa nhận, từ khi có Chỉ thị số 40 thì việc thực hiện chính sách này trở nên sôi động hơn; lôi cuốn mạnh mẽ hơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị; trở thành động lực, công cụ giảm nghèo quan trọng của cấp ủy, chính quyền Bình Trung. Sự quán triệt của Ban Bí thư ngay từ tiêu đề của Chỉ thị đã giúp chúng tôi thay đổi nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với cán bộ NHCSXH trong triển khai, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi.
Hiện, dư nợ NHCSXH tại xã Bình Trung đạt 33 tỷ đồng - một con số khá cao so với mặt bằng chung trên địa bàn huyện Lấp Vò. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã tự huy động thêm gần 400 triệu đồng, chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo. Số tiền ủy thác không nhiều nhưng cũng phần nào hỗ trợ được bà con cũng như góp thêm sức mạnh với NHCSXH huyện Lấp Vò; đặc biệt, chúng tôi chủ trương, nguồn vốn ủy thác sang sẽ ưu tiên cho các hộ vừa mới thoát nghèo để họ có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi ổn định hơn, tránh hiện tượng tái nghèo.
Bên cạnh chủ trương trên, chúng tôi luôn quán triệt với cán bộ trong xã, phải làm thế nào để người dân tiếp cận các quỹ NHCSXH nhanh nhất, kịp thời nhất. Tạo ra những vùng sản xuất lớn, kinh doanh theo chuỗi nhằm gia tăng giá trị sản xuất trên mỗi héc - ta đất canh tác. Đồng thời, tuyên truyền vận động bà con thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với NHCSXH; giúp ngân hàng có vốn để quay vòng, tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo khó hơn. Với cách làm trên Bình Trung đã có những thay đổi đáng kể. Nếu năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã ở mức 7,57% thì đến hết 2018, tỷ lệ này giảm xuống còn 3,5%.

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác