Tiếp nối những ngọn lửa hồng ấm nghĩa tình

17/10/2019
(VBSP News) Không chỉ là thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Đảng, Chính phủ, mở rộng quy mô những chương trình an sinh xã hội thường niên, hay mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngay trong những chương trình công tác, khảo sát thực hiện tín dụng chính sách tại các địa phương, Tổng Giám đốc và các đồng chí lãnh đạo NHCSXH cũng luôn tranh thủ thời gian để đến thăm hỏi và trao quà cho người nghèo và đối tượng chính sách. Những hành trình đong đầy yêu thương ấy càng thêm tỏa sáng biểu trưng của NHCSXH với đôi tay yêu thương như búp sen hồng muốn bao trọn, nâng niu, tạo bệ đỡ vững chắc người nghèo vươn lên chống lại đói nghèo và sự lạc hậu hòa vào ước vọng ước vọng dân tộc cùng xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ - công bằng - văn minh.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng thăm mô hình gia đình anh Trương Thạch Thảo ở thôn 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) vay vốn chính sách làm nghề bánh tráng

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng thăm mô hình gia đình anh Trương Thạch Thảo ở thôn 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) vay vốn chính sách làm nghề bánh tráng

Chúng tôi về xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) vào một ngày cuối thu giữa màu xanh ngút tầm mắt của cà phê, hồ tiêu, ca cao. Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trầm tư nhìn về xa xăm nhắc lại câu chuyện Ea Bar của 5 năm trước, khi còn nhiều người dân vì thiếu sinh kế mà dấy lên lấy nghề đốt than củi gây ô nhiễm môi trường không chỉ trong xã mà lan ra các xã xung quanh.
Chủ tịch UBND xã Ea Bar Y Sen Kbuôr, cho biết, toàn xã có 3.669 hộ, trong đó hộ DTTS chiếm 36% đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và chăn nuôi là chủ yếu. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn xã có 726 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,52%; hộ cận nghèo 486 hộ, chiếm tỷ lệ 13,74%. Trước thực tế đó, NHCSXH huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay đẩy mạnh hoạt động cho vay tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi nâng cao đời sống sớm thoát nghèo bền vững. Chỉ riêng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn xã đạt gần 12 tỷ đồng với 391 hộ vay vốn. Dư nợ đến 30/6/2019 đạt gần 52 tỷ đồng với 1.864 hộ vay còn dư nợ.
Chúng tôi xuống thăm gia đình anh Trương Thạch Thảo ở thôn 7, xã Ea Bar, 1 trong 23 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhận quà của Công đoàn NHCSXH được Tổng Giám đốc trao tặng trong chuyến thị sát này. Dòng vốn tín dụng chính sách qua nhiều năm bồi tụ, không chỉ giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn là tiền đề để anh vay thêm nguồn vốn vay ưu đãi hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 50 triệu đồng mua thiết bị làm bánh tráng mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm ổn định cho gia đình.
Những nguồn vốn nhỏ theo năm tháng đang thắp sáng những cuộc đời và ước nguyện của người nghèo. Như gia đình anh Y Tâm Adrơng ở xã Ea Bar, bước qua nghèo khó, 40 triệu đồng vay từ nguồn vốn hộ mới thoát nghèo giúp anh mở rộng diện tích trồng cà phê cùng 25 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo về nhà ở đang giúp ước mơ an cư lập nghiệp của anh trở thành hiện thực. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm 3% - 5% tỷ lệ hộ nghèo của xã/năm. Đến cuối năm 2018 chỉ còn 441 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,02% và 421 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11,47%.
Xúc động nhận món quà từ NHCSXH, những người như anh Trương Thạch Thảo, anh Y Tâm Adrơng càng thêm vui khi Công đoàn NHCSXH hỗ trợ xã hoàn thiện cơ sở vật chất y tế và giao dịch cho xã với việc đầu tư mua sắm thiết bị xét nghiệm ký sinh trùng cho Trạm Y tế xã Ea Bar và đầu tư cơ sở vật chất hỗ trợ trường Tiểu học Nguyễn Huệ.
Đó chỉ là một trong những câu chuyện trong hành trình hoạt động NHCSXH được viết lên từ sứ mệnh của một ngân hàng vì người nghèo và đặc biệt là từ trái tim của mỗi cán bộ NHCSXH đối với người nghèo, trong công việc cũng như trong hoạt động an sinh xã hội. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019, 20 chương trình tín dụng từ NHCSXH đầu tư đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại 100% các xã, phường trên toàn quốc đã tiếp cận cho vay hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách với tổng doanh số cho vay đạt 54.983 tỷ đồng, trong đó tập trung giảm nghèo, giải quyết việc làm như cho vay hộ mới thoát nghèo 10.914 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 9.432 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo 7.308 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 7.071 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 6.041 tỷ đồng.
Đến 30/9/2019, tổng dư nợ đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (+6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ, cũng minh chứng cho chất lượng tín dụng chính sách xã hội ngày càng nâng cao và ổn định.

Hiện có hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn NHCSXH

Hiện có hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn NHCSXH

Riêng trong 9 tháng năm 2019 đã có hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi; góp phần tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động, trong đó hơn 4,8 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 12 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 1 triệu công trình NS&VSMTNT; xây dựng trên 12 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 3 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP… Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng từ hành trình tín dụng giảm nghèo đầy nhọc nhằn ấy, sự thấu hiểu tâm tư người nghèo cũng là tiền đề để NHCSXH ngày càng có thêm nhiều các chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội tạo thêm nguồn lực cho giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2015 - 2019, NHCSXH thực hiện các hoạt động an sinh xã hội đối với cộng đồng, số tiền gần 121,8 tỷ đồng, trong đó các chương trình an sinh chung của cả hệ thống là 63,568 tỷ đồng. Hơn nửa còn lại là các chương trình an sinh xã hội do các cấp Công đoàn NHCSXH cơ sở phát động từ cấp tỉnh đến huyện càng minh chứng cho tâm ý của cán bộ chính sách trong công tác an sinh xã hội nói chung và người nghèo nói riêng. Nhiều chương trình hỗ trợ vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính thời điểm để hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn rủi ro do thiên tai, mưa lũ, bị sự cố về môi trường tại các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc và Nam Trung Bộ.
Những món quà tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên tinh thần lớn để họ cảm nhận rõ hơn mình không bị bỏ lại phía sau, nỗ lực sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách hiệu quả, thiết thực hơn, từ đó góp phần và thành tích giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 từ 9,88% xuống còn 5,23% (bình quân 1,55%/năm) và dự kiến năm nay là 4,5%. Theo thống kê, đến hết tháng 6/2019, trong số 44 xã vừa ra khỏi danh sách các xã khó khăn bãi ngang ven biển thì có 42 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, có 8 huyện nghèo đã thoát nghèo, 14 huyện hưởng cơ chế từ Chương trình 30a đã thoát khỏi tình trạng khó khăn. Riêng vùng đồng bào dân tộc, tốc độ giảm nghèo đều trên 4%, vượt yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2018/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (giảm 4%). Đặc biệt, có xã nghèo tốc độ giảm nghèo lên tới 8%.
“Có thể nói NHCSXH và tín dụng chính sách xã hội là trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng phi chính thức, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao thêm vào đó là báo cáo mới đây của Bộ LĐTB&XH tỷ lệ phát sinh hộ nghèo cao, lên tới 17,8% trong 6 tháng đầu năm, tức là cứ 100 hộ dân thoát nghèo thì có có gần 18 hộ phát sinh nghèo mới; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi vẫn còn trên 50%, có nơi còn đến 70%. Điều này cũng cho thấy hành trình dẫn tín dụng chính sách vào công cuộc giảm nghèo còn nhiều gian nan. Biết là càng những năm sau, công cuộc giảm nghèo càng thêm khó, song mỗi cán bộ NHCSXH đều tự tin vì bên cạnh họ ngoài nền tảng chuyên môn và kinh nghiệp tích lũy trong dặm dài hành trình còn có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị - xã hội chung tay cùng thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đặc biệt với việc tiếp tục duy trì thực thi Chỉ thị số 40-CT/TW tới đây, tín dụng chính sách sẽ lan tỏa ngày càng sâu rộng hơn, hỗ trợ người nghèo vươn lên và bước nhanh hơn trên con đường phát triển kinh tế bền vững và hội nhập.

Thái Hòa

Các tin bài khác