Tổ tiết kiệm và vay vốn - “Cánh tay nối dài” của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu
Phát huy vai trò của Tổ tiết kiệm và vay vốn
Xác định Tổ tiết kiệm và vay vốn có vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách, những năm qua, NHCSXH tỉnh cùng các địa phương và 4 tổ chức chính trị - xã hội mở rộng mạng lưới hoạt động đến tận các khóm, ấp. Nhờ đó, số lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, vừa hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ngày càng tăng lên.
Huyện Vĩnh Lợi có 77 ấp với tổng số 259 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cái Giá ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi được đánh giá là một trong những tổ có chất lượng hoạt động tốt, ổn định. Bà Sơn Thị Hồng Sen, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cái Giá cho biết: Hiện nay, Tổ có 57 tổ viên với dư nợ trên 1,7 tỷ đồng, thực hiện các mô hình kinh tế như: chăn nuôi heo, vịt, gà; trồng rẫy, lúa… Trong quá trình sử dụng vốn, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Những vướng mắc, khó khăn được báo cáo kịp thời cho tổ chức Hội trực tiếp quản lý và cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết. Nhờ đó, các tổ viên luôn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tổ không có nợ quá hạn và lãi tồn. Đời sống các tổ viên nâng lên rõ rệt, đến nay 100% tổ viên đều tham gia gửi tiết kiệm.
Không chỉ ở ấp Cái Giá, mà đa số các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các khóm, ấp trong tỉnh đã và đang trực tiếp quản lý nguồn vốn vay ưu đãi một cách hiệu quả. Tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ viên có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của nhau để phát triển kinh tế. Đồng thời, các Tổ còn tích cực tuyên truyền, vận động thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ trên tinh thần tự nguyện để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, vừa hình thành thói quen tiết kiệm cho hộ vay vốn, giảm bớt khó khăn khi trả nợ, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn
Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 1.900 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 87.000 tổ viên còn dư nợ, bình quân 46 thành viên/tổ, với dư nợ trên 23 triệu đồng/thành viên. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thời gian qua, NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch các huyện phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể các cấp thường xuyên rà soát, đánh giá, xếp loại để có kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Trần Quang Sơn nhận xét: Tổ tiết kiệm và vay vốn là mắt xích quan trọng đưa nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đó không chỉ là đầu mối, kênh dẫn vốn xuống tận cơ sở, phục vụ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp, tiện lợi nhất, mà còn giúp các hộ vay vốn sử dụng hiệu quả, nâng cao tính gắn kết, tạo ý thức tiết kiệm, góp phần xóa bỏ tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn; đồng thời, giúp NHCSXH tăng cường năng lực, hiệu quả tại cơ sở.
Bên cạnh những thuận lợi trong hoạt động thì vẫn còn một số khó khăn như: thời tiết bất thường, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau màu, giá cả các loại hàng hóa chênh lệch khá cao so với các sản phẩm của ngành nông nghiệp, nông thôn…, qua đó cũng phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ, trả lãi hàng tháng của hộ vay nên làm cho chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đạt kết quả cao.
Để hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động tín dụng chính sách, thời gian tới, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu xác định sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay đối với tổ chức hội, đoàn thể cấp xã; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền khóm, ấp trong việc tham gia quản lý vốn tín dụng chính sách; xây dựng và nhân rộng các mô hình tiên tiến, các mô hình sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đồng thời, xây dựng mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động kiểu mẫu để phát huy tốt hơn hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, cùng với đó là nâng cao chất lượng hoạt động tại Điểm giao dịch xã để phục vụ tốt hơn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cũng như tạo điều kiện cho Tổ tiết kiệm và vay vốn nâng cao chất lượng hoạt động.
Các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả góp phần giúp NHCSXH tỉnh Bạc Liêu giải ngân kịp thời 14 chương trình tín dụng chính sách. Dự kiến đến hết ngày 31/12/2020, tổng dư nợ đạt trên 2.200 tỷ đồng với trên 87.700 hộ được thụ hưởng. Từ đó, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh (giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3%/năm, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động; xây dựng trên 23.000 công trình NS&VSMTNT, hỗ trợ gần 5.000 HSSV đi học tại các trường chuyên nghiệp…). |
Bài và ảnh Minh Luân
Các tin bài khác
- » Hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh
- » Khởi sắc đời sống đồng bào Khmer
- » Giúp người dân vươn lên thoát nghèo
- » Đồng hành cùng bà con thoát nghèo
- » Doanh nghiệp đầu tiên được vay gói hỗ trợ Covid-19 tại Quảng Ngãi
- » Tôn vinh phụ nữ tiêu biểu ngành Ngân hàng giai đoạn 2015-2020
- » PHONG TRÀO PHỤ NỮ HAI GIỎI: Chuyện về những người thắp lửa và giữ lửa
- » Thi đua để đưa tín dụng chính sách đóng góp tích cực vào giảm nghèo bền vững
- » Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII
- » Hội tụ nội lực thực thi tín dụng chính sách xã hội