Khởi sắc đời sống đồng bào Khmer
Giữa lúc nhiều liếp hoa màu ngập chìm trong nước, nhờ có tính toán trong sản xuất, mấy bờ khổ qua, rau thơm, rau diếp cá của anh Nguyễn Minh Hiền, ở ấp Kinh Đứng, xã Khánh Hưng vẫn còn cho thu hoạch. Với giá hoa màu đồng loạt tăng như thời điểm này, mỗi ngày gia đình anh thu nhập vài trăm ngàn đồng là chuyện bình thường. Anh Hiền phấn khởi: “Sáng nay bẻ 50kg khổ qua, mỗi ký 10.000 đồng, cao hơn nhiều so với trước đây. Tính ra thu nhập cũng 500.000 đồng rồi, cộng thêm các loại khác nữa”.
Anh Hiền tâm sự: “Nếu không có 20 triệu đồng của NHCSXH huyện cho vay vốn để chuộc lại gần 3 công đất ruộng của gia đình, chắc bây giờ vẫn còn dãi nắng dầm mưa làm hồ khắp nơi”.
Nhắc đến anh Hiền, bà con trong vùng ai cũng thương. Thương cho hoàn cảnh, thương cho tính người đôn hậu, chịu khó, yêu vợ thương con. Cũng vì bệnh tật mà cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ lâm vào khốn khó. Đất ruộng phải cầm cố, để có tiền lo thuốc men căn bệnh hiểm nghèo của vợ mình, nuôi các con học hành, từ sáng sớm đến tối muộn, anh Hiền chạy khắp nơi làm thợ hồ. Rồi ai thuê gì thêm cũng làm. Thế nhưng, ngặt nỗi 1 lao động chính lo cho 4 miệng ăn, nghề thợ hồ cũng chẳng ổn định nên 2 chữ hộ nghèo vẫn còn nguyên đó.
Hiểu rõ hoàn cảnh của anh, chính quyền địa phương từ ấp đến xã đề xuất để anh được vay vốn NHCSXH. Gom góp thêm tiền dành dụm chút đỉnh, anh có điều kiện chuộc lại mấy công đất. Đất tuy ít nhưng với anh, đây chính là cơ hội để thay đổi cuộc đời. Không trồng lúa nữa vì năng suất bấp bênh, hơn năm nay, anh cải tạo lại đất rồi trồng màu, nuôi cá. Từ khi trồng màu, có thu nhập hàng ngày dù ít hay nhiều, cuộc sống gia đình anh Hiền đỡ túng quẫn hơn trước. Mấy ao cá coi như tiền dành dụm cuối năm. Nhờ vậy cuộc sống gia đình anh dần ổn định.
Chuẩn bị có căn nhà mới, lòng chị Lâm Thị Thu, ở ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng vui mừng vô cùng. Vậy là chị quyết định làm đơn xin thoát nghèo cuối năm nay. Chị Thu bộc bạch: “Nhiều năm nay, gia đình tôi nhận được sự quan tâm rất nhiều của chính quyền địa phương. Con gái lớn của tôi được theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh, đỡ tốn kém chi phí học hành, rồi được hỗ trợ vay vốn và cuối năm nay sẽ có chỗ ở mới. Tôi rất cảm ơn và quyết định xin thoát nghèo”.
Không đất sản xuất, bao nhiêu năm nay cuộc sống gia đình chị Thu chỉ biết trông chờ vào những đồng tiền kiếm được từ nghề thợ hồ của chồng chị. Nghề làm thợ hồ tuy thu nhập cũng khá nhưng một người làm trang trải cho cả gia đình nên thường rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Thấy cuộc sống gia đình chị muốn vươn lên phải tạo việc làm cho chị, NHCSXH cho chị vay 20 triệu đồng để chăn nuôi.
Chị Thu chia sẻ: “Nhờ có đồng vốn đó, tôi nuôi 15 con heo, 100 con vịt, có việc làm, có thu nhập phụ thêm cho gia đình. Tôi chuẩn bị chăn nuôi thêm đàn mới. Gia đình tôi cũng mướn thêm chục công đất ruộng để làm”.
Nhờ có nguồn vốn để chăn nuôi gà, vịt mà gia đình anh Hồ Minh Hẹn ở ấp Công Nghiệp A, xã Khánh Hưng có thêm thu nhập. 4 công đất ruộng làm chẳng dư dả gì, hàng ngày vợ anh Hẹn làm thuê cho công ty thuỷ sản, còn anh ai thuê gì làm đó, vác lúa, giao phân. Cuối năm 2019, anh được hỗ trợ vay 20 triệu đồng để chăn nuôi. Tuy nuôi gà, nuôi vịt lời lãi không nhiều nhưng đối với gia đình hộ nghèo như anh, mức thu nhập ấy là đáng quý. Anh Hẹn bộc bạch: “Thấy lúa ngoài đồng của bà con bỏ uổng, tôi mót về để dành chăn nuôi. Mong sao được hỗ trợ nhiều vốn hơn nữa để mở rộng, số lượng chăn nuôi nhiều hơn”.
Vẫn còn đó những lo toan bộn bề của cuộc sống, nhưng với sự quan tâm, những giải pháp căn cơ, đồng bộ, đời sống đồng bào dân tộc Khmer đã và đang bước sang trang mới. Có chí, có những đồng vốn nghĩa tình, tin rằng một ngày không xa, cái nghèo trong đồng bào dân tộc sẽ không còn nữa.
CTV
Các tin bài khác
- » Giúp người dân vươn lên thoát nghèo
- » Đồng hành cùng bà con thoát nghèo
- » Doanh nghiệp đầu tiên được vay gói hỗ trợ Covid-19 tại Quảng Ngãi
- » Tôn vinh phụ nữ tiêu biểu ngành Ngân hàng giai đoạn 2015-2020
- » PHONG TRÀO PHỤ NỮ HAI GIỎI: Chuyện về những người thắp lửa và giữ lửa
- » Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII
- » Hội tụ nội lực thực thi tín dụng chính sách xã hội
- » 75 doanh nghiệp đã được vay vốn trả lương lao động ngừng việc
- » Hội nghị tập huấn trực tuyến về nghiên cứu khoa học
- » Giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang (Bài 2: Vốn chính sách - “bà đỡ” của các mô hình kinh tế)