Phát huy hiệu quả Tổ tiết kiệm và vay vốn vùng sâu Tháp Mười
Hiện, toàn huyện Tháp Mười có 377 Tổ tiết kiệm và vay vốn trải khắp các xã, phường, thị trấn. Ngày nay, người dân vùng lũ Đồng Tháp Mười không còn cảnh ở phân tán rải rác ven lộ giới hay dọc hai bờ kênh rạch mà sinh sống tập trung theo cụm, tuyến dân cư giúp cho việc sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn được đều đặn và công tác thu nợ, thu lãi được tiến hành nhanh gọn, đầy đủ. Các tổ viên cũng tự giác tham gia gửi tiền tiết kiệm đều đặn hàng tháng.
Từ việc sắp xếp, củng cố mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn mà các chương trình tín dụng chính sách ở huyện Tháp Mười đạt hiệu quả rõ rệt, chất lượng cũng được nâng cao, hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác chủ động về vốn liếng, đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Đơn cử về Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Kênh Hội, xã Trường Xuân có 36 tổ viên được vay vốn NHCSXH với tổng số tiền đạt trên 1,5 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm nhà ở. Đồng vốn ưu đãi được bà con tập trung sử dụng vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng diện tích cây sen và chế biến những mặt hàng đặc sản từ cây sen như tâm sen, chè sen, thảm sen.
Đạt được thành tích đó phải kể đến phần đóng góp không nhỏ của chị Đoàn Thúy Hồng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Kênh Hội, xã Trường Xuân. Với vai trò, nhiệm vụ của người tổ trưởng, chị Hồng thường xuyên tổ chức cho các tổ viên sinh hoạt Tổ định kỳ để nghe phổ biến chủ trương mọi chủ trương, chính sách, quy định mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín dụng chính sách. Đồng thời, chị khéo léo lồng ghép việc vay vốn chính sách với các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bà con được bàn bạc dân chủ, công khai từ khâu bình xét đối tượng được vay vốn đến việc hướng dẫn, giúp đỡ nhau cách chọn mô hình sản xuất phù hợp, đến cả việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc hộ vay trả nợ, nộp lãi đúng kỳ hạn, đầy đủ.
Thông qua sinh hoạt Tổ Tiết kiệm và vay vốn, nhiều gia đình ấp Kênh Hội không chỉ vay vốn thuận lợi mà còn sử dụng đồng vốn vay đầu tư sản xuất mang lại thu nhập cao, kinh tế ngày càng khá giả. Điển hình là chị Dương Thị Đang vay vốn 45 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tháp Mười để xây dựng mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá. Từ việc bán cá đồng, hoa sen, hạt sen, chị Đang vừa trả nợ, lãi đúng thời hạn, vừa mua thêm cây, con giống tốt, thuê thêm diện tích mở rộng cơ ngơi trồng trọt, chăn nuôi. Một số hộ gia đình khác cũng được Tổ tiết kiệm và vay vốn động viên, hướng dẫn sử dụng vốn vay kết hợp với ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn xây dựng mô hình phương án SXKD phù hợp, đạt danh hiệu thi đua nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh như ông Vũ Phước Long, chị Huỳnh Thị Ngọt, anh Bùi Đức Thêm….
Sự nỗ lực cùng hành động thiết thực của mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn và đội ngũ tổ trưởng đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng sâu Tháp Mười. Đây cũng là cái đích để người nghèo hướng tới và chính quyền các cấp sẽ tiếp tục gắn bó chặt chẽ với NHCSXH thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
Đông Dư
Các tin bài khác
- » Động lực giảm nghèo ở Tây Sơn
- » Tạo điều kiện tiếp cận chính sách tín dụng NS&VSMNT
- » Tín dụng chính sách tiếp sức vùng khó khăn Bố Trạch
- » Sức sống mới của nông dân Nam Đông
- » Giúp thanh niên khởi nghiệp
- » Tỉnh Tiền Giang đề nghị tiếp tục thực hiện chương trình cho vay NS&VSMTNT
- » Tín dụng chính sách tạo dấu ấn đẹp trên vùng đất biển
- » Đắk Nông tập trung giải ngân vốn, đáp ứng nhu cầu của người nghèo
- » Diện mạo mới vùng núi cao Tân Sơn
- » Tín dụng chính sách tiếp sức hộ nghèo