Tín dụng chính sách tiếp sức hộ nghèo

25/02/2020
(VBSP News) Những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo trong tỉnh có việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Tại huyện Bù Đăng (Bình Phước), nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH như luồng gió mới thúc đẩy phong trào lao động sản xuất, ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con DTTS, nhất là các đoàn viên thanh niên (ĐVTN).
Anh Trương Văn Hùng (bên trái) ở thôn 1, xã Thống Nhất giới thiệu điều ghép của gia đình cho năng suất cao

Anh Trương Văn Hùng (bên trái) ở thôn 1, xã Thống Nhất giới thiệu điều ghép của gia đình cho năng suất cao

Tại UBND xã Thống Nhất, trong ngày NHCSXH huyện Bù Đăng tổ chức phiên giao dịch tháng 2/2020, chúng tôi gặp chị Thị Sẻ, chị cho biết: Năm 2017, chị vay 52 triệu đồng hộ cận nghèo và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Gia đình mua bò sinh sản và máy tưới cà phê. Số tiền còn lại chị mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Máy bơm điện tiết kiệm chi phí, chỉ bằng 1/3 so với máy dầu nên gia đình rất phấn khởi. Cà phê được tưới 4 - 5 lần trong mùa khô nên ra bông đậu trái và sinh trưởng tốt. Cây điều cũng từ đó được hưởng lợi. Kinh tế gia đình chị đang dần ổn định với đàn bò nay đã có 7 con, điều và cà phê đang phát triển tốt.
Chị Thị Sẻ là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Thống Nhất, được thành lập cách đây 2 năm. Tổ có 37 thành viên, dư nợ hiện nay là 1,1 tỷ đồng. Đây là một trong những tổ hoạt động hiệu quả nhất trong xã. Chị Sẻ cho biết: “Vốn vay ưu đãi rất phù hợp, giúp người nghèo đầu tư hợp lý. Việc trả lãi và hoàn vốn cũng không sợ rủi ro. Trong số 37 thành viên của tổ thì 50% là thanh niên mới lập gia đình. Hiện các hộ vay tích cực phát triển kinh tế, tạo nên phong trào thi đua giảm nghèo sôi nổi khắp thôn”.
Nhà anh Trương Văn Hùng ở thôn 1, xã Thống Nhất có 2ha đất canh tác. Năm 2018, anh vay 40 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Có vốn, anh Hùng cưa 50% diện tích điều già, sâu bệnh, kém năng suất trồng thay thế bằng 150 cây điều ghép cao sản. Những chỗ trồng thưa, trồng chưa đúng quy cách, anh bổ sung 20 cây vú sữa, 40 cây sầu riêng và vài chục cây mít Thái xung quanh làm hàng rào. Anh Hùng cho biết: “Những năm trước gia đình chỉ có cây điều nên khi điều mất mùa không biết tính sao. Giờ tôi đã trồng bổ sung sầu riêng, vú sữa và mít Thái, chỉ 6 năm nữa sẽ cho thu hoạch đồng loạt. Tôi vừa xây được căn nhà mới nên càng quyết tâm làm kinh tế để làm giàu”.
Cách chừng 100m, gia đình anh Nông Văn Ký cũng là hộ thanh niên tu chí làm ăn và có nhiều triển vọng. Đang nhặt điều cùng vợ và con gái sau nhà, tranh thủ giải lao, anh Ký cho biết: “Năm 2017, tôi được vay 40 triệu đồng để chăm sóc 1,5ha cà phê xen điều. 3 năm qua, mỗi năm tôi bón 2 lần phân vào dịp điều chuẩn bị ra bông và sau thu hoạch, đồng thời xịt 3 lần phân bón lá, dưỡng bông, đậu trái. Năm 2019, gia đình lãi 50 triệu đồng, qua đó tôi đã mua được tivi, thay mái tôn và lo cho các con ăn học. Năm nay, vụ điều bắt đầu vào thu hoạch rộ, hy vọng kinh tế gia đình sẽ ngày càng ổn định, đồng vốn vay chính sách thực sự đem lại cuộc sống ổn định cho bà con chúng tôi”.

Bài và ảnh Hạp Tiến Khoa

Các tin bài khác