Cần tăng cơ hội tiếp cận vốn chính sách cho thanh niên

21/02/2020
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Đoàn Thanh niên các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp để đưa vốn tín dụng chính sách đến với đoàn viên thanh niên. Tuy nhiên, trên thực tế, tầng lớp đoàn viên, thanh niên vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn để lập thân, lập nghiệp.
Đoàn viên thanh niên tỉnh tham quan, tìm hiểu sản phẩm ống hút bằng tre được giới thiệu tại Hội nghị kết nối thanh niên với ngân hàng cuối năm 2019

Đoàn viên thanh niên tỉnh tham quan, tìm hiểu sản phẩm ống hút bằng tre được giới thiệu tại Hội nghị kết nối thanh niên với ngân hàng cuối năm 2019

Còn khó tiếp cận nguồn vốn
Đến hết năm 2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách Đoàn Thanh niên tỉnh nhận ủy thác đạt trên 559 tỷ đồng, với 14.897 hộ vay vốn thông qua 350 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tại Krông Nô, đến hết năm 2019, dư nợ ủy thác do Huyện đoàn quản lý là gần 72 tỷ đồng, với 1.941 hộ vay vốn thông qua 50 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Phó Bí thư Huyện đoàn Krông Nô Lê Thị Minh cho biết, thực tế số thanh niên được vay vốn còn khá ít so với số có nhu cầu. Trong đó, nếu như các bạn thanh niên đã là chủ hộ gia đình thì khá dễ tiếp cận vốn. Còn các bạn chưa lập gia đình, chưa là chủ hộ thì khó tiếp cận vốn hơn. Thiếu vốn chính là “lực cản” đối với nhiều bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Ở thị trấn Đắk Mâm, xã Đắk D’rồ, thanh niên cũng đã có nhiều mô hình kinh tế triển vọng như nuôi dúi, trồng rau hữu cơ. Các mô hình này được hỗ trợ qua các kênh vốn khác chứ chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi qua Đoàn Thanh niên. Vốn ít, khó tiếp cận vốn để duy trì, phát triển kinh tế nên các mô hình triển vọng này cũng chỉ dừng lại ở mô hình, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, chưa xây dựng được nhãn hiệu…
Mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc đưa vốn đến cho thanh niên, Bí thư Đoàn thị trấn Đắk Mâm Trần Thị Phượng cho biết, những năm qua, từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn, đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã có cơ hội được vay vốn phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, số thanh niên được tiếp cận vốn còn ít. Khi làm hồ sơ, thủ tục để được vay vốn, họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hướng dẫn chưa cụ thể, nhiều yêu cầu cao so với thực tế. Ví dụ như yêu cầu phải có giải pháp, phương án kinh doanh khả thi, có giấy phép kinh doanh, chứng nhận trang trại, hợp tác xã… Đây là nội dung khó đối với đa phần thanh niên khi vay vốn để đầu tư vào vườn rẫy, chăn nuôi hoặc bắt đầu khởi nghiệp.
Phó Bí thư Huyện đoàn Đắk Mil Y Thoa cho rằng, 3 năm gần đây, nông sản mất mùa, mất giá, hầu hết thanh niên vay vốn gặp khó khăn trong việc trả nợ. Do đó, việc các tổ chức tín dụng xem xét, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên, thanh niên đã vay vốn là điều rất cần thiết.
Mở ra nhiều cơ hội nhờ quy định mới
Nguồn vốn tín dụng chính sách đến với thanh niên chưa cao, ngoài các yêu cầu về phía các tổ chức tín dụng thì còn có các mặt chủ quan. Đó là việc một số cán bộ Huyện đoàn, đoàn xã, phường, thị trấn thiếu sự quan tâm, chưa chủ động, kịp thời trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, NHCSXH tại địa phương. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý hoạt động còn nhiều yếu kém, thanh niên được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng còn ít.
Năm 2020, Đoàn Thanh niên sẽ phối hợp chặt chẽ với NHCSXH các cấp trong tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện ủy thác cho vay đối với thanh niên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc tập huấn nghiệp vụ nhận ủy thác cho cán bộ đoàn các cấp được đẩy mạnh gắn với việc phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của đoàn viên thanh niên khi tiếp cận vốn vay.
Vấn đề về xây dựng các mô hình, các chuỗi sản phẩm gắn với việc thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã do thanh niên làm chủ cũng sẽ được Đoàn Thanh niên các cấp chú trọng. Qua đó sẽ tăng cơ hội tiếp cận vốn lớn hơn cho đoàn viên thanh niên cơ sở, nhất là các chính sách tín dụng mới. Việc kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được coi là một giải pháp sẽ tạo tính đột phá trong giải ngân vốn.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông Đào Thái Hòa cho biết thêm: Năm 2020 cũng là năm mà các cấp bộ Đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đậm nét về Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Trong đó, Nghị định này có những điểm mới được coi là sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp. Cụ thể như mức vay cao hơn, thời gian vay dài hơn, ngân hàng cũng xem xét việc phối hợp với Tỉnh đoàn trong việc chọn một số mô hình có tính khả thi cao, không trùng lắp để tiếp vốn ưu đãi làm điểm.

Bài và ảnh Hồng Thoan

Các tin bài khác