An Giang ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các huyện biên giới

21/02/2020
(VBSP News) Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã tập trung ưu tiên cho các huyện khó khăn, biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang - nơi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Qua đó, phục vụ trực tiếp vào an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các đối tượng thụ hưởng. Hàng nghìn hộ gia đình nghèo, hộ DTTS ở các huyện biên giới như Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn, Tân Châu... đã vươn lên thoát nghèo.
Chị Lê Thị Bé Chín ở huyện Chợ Mới (An Giang) vay vốn chính sách nuôi bò

Chị Lê Thị Bé Chín ở huyện Chợ Mới (An Giang) vay vốn chính sách nuôi bò

Trong năm 2019, doanh số cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh An Giang đạt 705,9 tỷ đồng, với 30.999 lượt hộ vay vốn. Đến năm 2020, NHCSXH tỉnh An Giang phấn đấu nguồn vốn đạt và vượt kế hoạch Trung ương giao; nguồn ngân sách địa phương cả cấp tỉnh và huyện tăng ít nhất 30 tỷ đồng; nguồn huy động tiền gửi dân cư đạt mức Trung ương giao; dư nợ hoàn thành 100% kế hoạch Trung ương giao; không còn Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém…
Để hoàn thành mục tiêu trên, Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang Nguyễn Minh Hưng cho biết, sẽ tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương tăng trưởng ít nhất trong năm từ 200 - 250 tỷ đồng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác; giải ngân nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn.
NHCSXH tỉnh An Giang sẽ xây dựng kế hoạch, đề án nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện nghiêm túc việc phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại những Điểm giao dịch xã. Ngân hàng cũng thực hiện nghiêm việc giám sát, tập trung vào các nơi còn nhiều nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Cùng đó, ngân hàng sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính xây dựng đề án chuyển vốn ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động sang thị trường có thu nhập cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đi xuất khẩu lao động của người dân; quan tâm đặc biệt tới việc bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, công tác kiểm tra sau cho vay, công tác đôn đốc thu hồi nợ quá hạn…
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh An Giang cũng sẽ dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn SXKD, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, thực hiện an sinh xã hội và góp phần cho sự phát triển kinh tế địa phương; thực hiện nghiêm túc việc bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng từng chương trình tín dụng…

Bài và ảnh Thanh Sang

Các tin bài khác