Tín dụng chính sách tạo dấu ấn đẹp trên vùng đất biển

25/02/2020
(VBSP News) Năm 2009, huyện Hải Hậu (Nam Định) được Ban chỉ đạo Trung ương chọn làm điểm xây dựng NTM. Sau 10 mùa xuân thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn miền đất địa linh nhân kiệt này đã thay đổi rõ rệt, về đích chuẩn NTM sớm một năm so với kế hoạch. Đến đầu xuân Canh Tý 2020, toàn huyện Hải Hậu lại chính thức bắt tay xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu “sáng, xanh, đẹp, phát triển bền vững”.
Những con đường đẹp ở vùng NTM Hải Hậu

Những con đường đẹp ở vùng NTM Hải Hậu

Đạt được những thành tích đó là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành và người dân trên địa bàn; trong đó, NHCSXH huyện Hải Hậu đã tập trung đầu tư hiệu quả tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Mai Văn Quyết cho biết, NHCSXH huyện đã tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM”; thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo chuyển tải kịp thời đầy đủ nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân phát triển SXKD, từng bước nâng cao đời sống.
Từ năm 2015 đến nay, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), NHCSXH đã áp dụng nhiều giải pháp phù hợp để đẩy mạnh huy động bổ sung nguồn vốn cho huyện vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cụ thể, tiếp nhận nhanh chóng, đầy đủ nguồn vốn từ Trung ương và cấp tỉnh; tranh thủ được 1,3 tỷ đồng nguồn ngân sách ủy thác từ UBND huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo ở địa phương. Cùng với đó, NHCSXH huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực của cấp hội nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đảm bảo nguồn vốn được đầu tư đúng đối tượng một cách công khai, dân chủ.
Ngoài nguồn vốn cân đối từ Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác, NHCSXH huyện Hải Hậu còn chủ động đẩy mạnh huy động nguồn vốn tại chỗ. Những năm qua, việc huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên tại Điểm giao dịch xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn đi vào nề nếp. Công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn được lồng ghép, thông tin tại các hội nghị ở cơ sở, thôn, tổ dân phố, nhất là trong các buổi sinh hoạt, giao dịch hàng tháng của chi nhánh tại các xã, thị trấn. Hiện nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Hải Hậu đạt gần 550 tỷ đồng; trong đó đã ưu tiên đầu tư xây dựng NTM hơn 140 tỷ đồng.
Nhiều hộ gia đình đã sử dụng đồng vốn chính sách để xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, khôi phục và phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp. Gia đình bà Lâm Thị Huệ ở xóm 7, xã Hải Quang là một trong những điển hình. Cách đây 4 năm, bà Huệ được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo. Có vốn, bà đào ao thả cá, cải tạo chân ruộng trũng thành vườn trồng 10 nghìn cây đinh lăng kết hợp đào ao thả 15 tấn cá trôi, trắm, mè hoa. Mô hình kinh tế này đã mang lại cho gia đình bà thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hay như ông Đỗ Văn Luyến ở xóm 19, xã Hải Anh vay 300 triệu đồng từ NHCSXH huyện Hải Hậu để đầu tư nâng cấp nhà xưởng, mua thêm máy đục hoa văn, phát triển nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Đến nay, cơ sở của ông đã phát triển với diện tích 400m² và tạo việc làm ổn định cho 50 lao động trong vùng có mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Trong 5 năm qua, đã có trên 16 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Hải Hậu vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo trong chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,7% (34.615 hộ nghèo) cuối năm 2014 xuống còn 2,15% (13.000 hộ nghèo) cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp Hải Hậu tăng nhanh tỷ lệ dân cư các thôn, xã được sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh hợp chuẩn, đặc biệt góp phần quan trọng thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục, đảm bảo quyền được học tập cho con em các gia đình khó khăn. Từ năm 2007 đến nay, NHCSXH huyện Hải Hậu đã giúp 36.281 hộ gia đình được vay vốn với tổng số tiền trên 348 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng dư nợ chương trình cho vay HSSV đạt trên 43,3 tỷ đồng với 1.481 hộ còn dư nợ. Một số địa phương có dư nợ vay lớn như thị trấn Thịnh Long 2,9 tỷ đồng; xã Hải Lý 2,6 tỷ đồng; xã Hải Chính 2,53 tỷ đồng; xã Hải Phú 1,9 tỷ đồng; xã Hải Hưng 1 tỷ đồng…
Nhiều năm trước, gia đình chị Đỗ Thị Thoan ở xóm 15, xã Hải Hưng đã rất vui mừng khi nhận được giấy báo con trai lớn Nguyễn Tiến Quang thi đỗ Đại học Công nghiệp Hà Nội. Xen lẫn niềm vui là nỗi lo về học phí, chi phí sinh hoạt bởi hoàn cảnh kinh tế lúc ấy vô cùng khó khăn. Đúng lúc đó, chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm tạo điều kiện bình xét để được NHCSXH cho vay chương trình HSSV giúp các con chị tiếp tục giấc mơ đèn sách. Đến nay, con trai chị đã ra trường, xin được việc làm ổn định, giúp gia đình trả hết nợ vay ngân hàng đúng kỳ hạn.
Tín dụng chính sách xã hội đã tạo dấu ấn đẹp trong xây dựng NTM, giúp huyện Hải Hậu chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và góp sức “khoác” lên phong cảnh làng quê vùng đất biển Hải Hậu một màu áo mới, màu áo của mùa xuân với niềm tin, hy vọng lớn lao, cùng sự ấm no, hạnh phúc đong đầy.
Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH huyện Hải Hậu sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đổi mới phương thức đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm, ưu tiên tăng vốn cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm nhằm góp phần đắc lực trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020 - 2025.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác