Đắk Nông tập trung giải ngân vốn, đáp ứng nhu cầu của người nghèo

25/02/2020
(VBSP News) Những tháng đầu năm, NHCSXH tỉnh Đắk Nông tập trung huy động mọi nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Với việc giải ngân nguồn vốn nhanh, nhiều hộ gia đình có điều kiện vay vốn để kịp thời đầu tư vào sản xuất.
Đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi dê

Đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi dê

Nguồn vốn “gõ cửa” kịp thời
Hơn 8 giờ sáng, tại Hội trường UBND xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, đông đảo người dân đã đến để giao dịch với NHCSXH. Người trả nợ đến hạn, người vay mới…  không khí rất sôi nổi. Có mặt tại Điểm giao dịch khá sớm, anh Lê Thế Hậu ở thôn Quảng Đà khá phấn khởi. Hôm nay, gia đình anh được NHCSXH huyện giải ngân 50 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo.
Theo anh Hậu, gia đình anh đã được tiếp cận vốn của NHCSXH từ năm 2017 thông qua chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn, anh đầu tư máy móc, phân bón chăm sóc hơn 2ha cà phê, hồ tiêu. Hàng năm, gia đình anh còn tích góp thêm để chăn nuôi dê. Mặc dù mấy năm nay bị ảnh hưởng do giá cả nông sản xuống thấp, nhưng thu nhập mỗi năm của gia đình cơ bản đáp ứng được chi tiêu sinh hoạt và con cái học hành. Tháng 10/2019, món vay đến hạn nên anh đã tích góp để trả cho ngân hàng theo quy định. Xét thấy gia đình anh còn nhiều khó khăn, địa phương và NHCSXH tiếp tục bình xét, tạo điều kiện cho anh vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo để phục vụ sản xuất.
Anh Hậu chia sẻ: “Giá cả nông sản xuống thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đầu tư vào cà phê, hồ tiêu trong giai đoạn này hầu như không có lời. Trong thời điểm khó khăn này, được vay số tiền từ NHCSXH đã giúp nông dân kịp thời có vốn đầu tư. Quan trọng hơn, với lãi suất thấp, thời hạn vay dài, nông dân chúng tôi giảm bớt áp lực trả nợ”.
Cũng vừa mới nhận được 50 triệu đồng tiền vay từ NHCSXH huyện giải ngân, chị Trần Thị Huệ phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có 3ha cà phê. Mấy năm nay vườn cây đạt năng suất không cao. Giá cà phê lại xuống thấp nên không đủ vốn đầu tư nhiều. Giờ được vay vốn từ NHCSXH, xem như gia đình đã giải quyết được khó khăn trước mắt”.
Chị Trần Thị Huệ ở thôn Quảng Đà, xã Đắk Sôr là một trong những gia đình vừa được NHCSXH huyện Krông Nô cho vay vốn để đầu tư vào sản xuất
Theo ông Đinh Văn Dũng - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Krông Nô, căn cứ kế hoạch Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh giao, đơn vị đã tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện giao vốn về cho các xã, thị trấn. Kế hoạch giao vốn luôn bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, bon, buôn tại địa phương. Công tác thu nợ đến hạn để bảo đảm nguồn vốn vay quay vòng cũng được đơn vị đẩy mạnh. Cuối năm 2019, đơn vị đã quán triệt đội ngũ cán bộ tín dụng, thông báo cho các Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát, đánh giá theo từng khoản vay. Qua đây, ngân hàng phân tích, đánh giá từng món vay cụ thể để tăng cường đôn đốc hộ vay trả nợ đúng kỳ hạn. Nhờ đó, đến nay, trên cơ sở chỉ tiêu mà chi nhánh tỉnh giao, NHCSXH huyện đã giải ngân được trên 4 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch trong tháng, góp phần nâng tổng dư nợ cho vay tại địa phương lên 371 tỷ đồng.
Tương tự, NHCSXH huyện Đắk Mil cũng tập trung giải ngân vốn ngay từ những tháng đầu năm. Ông Phạm Hòa - Giám đốc NHCSXH huyện Đắk Mil cho biết: “Kế hoạch năm 2020 của đơn vị là cho vay với doanh số trên 100 tỷ đồng. Trong đó, 67 tỷ đồng là vốn thu lãi, nợ đến hạn. Còn lại là nguồn vốn mới do Trung ương, tỉnh phân bổ và ngân sách huyện ủy thác”.
Hơn 100 tỷ đồng là mục tiêu không dễ dàng thực hiện. Xác định được điều này, ngay từ tháng 10/2019, sau khi UBND các xã, thị trấn có danh sách hộ nghèo, cận nghèo, NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với tổ chức hội cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, bon khảo sát nhu cầu vay vốn. Đơn vị tiếp tục rà soát những chương trình có nhu cầu vốn lớn như: nước sạch vệ sinh môi trường; cho vay giải quyết việc làm; những chương trình đặc thù của địa phương để mở rộng cho vay. Nhờ vậy, dự kiến đến hết tháng 2/2020, đơn vị sẽ giải ngân được 5 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch trong hai tháng đầu năm mà chi nhánh NHCSXH tỉnh giao. Từ đây, nâng tổng dư nợ tại NHCSXH huyện đạt 322 tỷ đồng, với hơn 9.500 hộ gia đình được vay vốn sản xuất.  
Thu hồi đến đâu, giải ngân đến đó
Tính đến hết tháng 2/2020, tổng dư nợ tại NHCSXH tỉnh đạt 2.700 tỷ đồng. Với mục tiêu dư nợ tháng sau không giảm hơn tháng trước, thu hồ nợ đến đâu cho vay đến đó, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, NHCSXH tỉnh thực hiện nhiều giải pháp. Đơn vị đã tham mưu cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác giám sát cơ sở. Trong đó, nội dung tập trung vào bình xét cho vay đúng đối tượng cả về khả năng sử dụng vốn, khả năng trả nợ khi đến hạn; đẩy mạnh thu hồi nợ đến hạn để nâng cao xoay vòng vốn. Việc thường xuyên rà soát, bổ sung các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đột xuất vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời cho vay cũng được chi nhánh phối hợp với các địa phương thực hiện.
Hàng tháng, NHCSXH các huyện nắm chắc số tiền thu nợ trong kỳ, chủ động rà soát đối tượng, chuẩn bị hồ sơ, giải ngân kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu thụ hưởng trong kỳ giao dịch. Hạn chế tình trạng để tồn đọng vốn, giảm dư nợ so với đầu kỳ, nhất là hạn chế tăng cường phiên giao dịch do không làm tốt kế hoạch nguồn vốn.
“Chúng tôi chủ động thành lập các đoàn kiểm tra xuống tại địa bàn các huyện. Mục đích là hỗ trợ các đơn vị trong việc rà soát đối tượng, chuẩn bị hồ sơ để cho vay kịp thời. Đối với những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, các đoàn tổng hợp để gửi chi nhánh, từ đó, sớm có hướng giải quyết kịp thời. Với những giải pháp đã, đang triển khai, năm 2020, chúng tôi phấn đấu đạt doanh số cho vay trên 1.395 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay mới khoảng 300 tỷ đồng, còn lại là thu lãi, nợ đến hạn”, ông Nguyễn Tiến Hà - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh khẳng định.

Báo Đắk Nông

Các tin bài khác