Bước chuyển mạnh trong nỗ lực giảm nghèo ở Hà Nội

14/02/2021
(VBSP News) Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tín dụng chính sách xã hội. Bằng việc xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai bài bản, thiết thực và tận tâm phục vụ, nguồn vốn chính sách đã kịp thời đến với người dân, hỗ trợ giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế hộ, kinh tế địa phương, qua đó góp phần xây dựng thủ đô giàu đẹp.
1. Buoc chuyen lon trong no luc giam ngheo Ha Noi

Hộ vay vốn ở xã Phú Kim đang chia sẻ mô hình SXKD với cán bộ NHCSXH và tổ chức chính trị - xã hội

Hiệu quả thiết thực từ nguồn vốn ưu đãi

Từ một hộ nghèo, bà Cấn Thị Hạnh ở thôn Bách Kim, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất đã vươn lên thoát nghèo và đến nay đã là hộ có kinh tế khá của địa phương. Bà Hạnh chia sẻ: “Năm 2016 gia đình thuộc hộ nghèo, nhờ có đồng vốn của NHCSXH thành phố, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo”. Hiện gia đình bà có 4 con bò và 2 sào cam, bưởi, doanh thu hằng năm đạt tới 300 triệu đồng.

Không chỉ riêng gia đình bà Hạnh, rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Thạch Thất nhờ nguồn vốn của NHCSXH đã vươn lên thoát nghèo, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương. Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thạch Thất Dương Quốc Mạnh cho hay, chỉ tính riêng năm 2020, NHCSXH huyện đã giải ngân cho 5.869 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền hơn 210,6 tỷ đồng.

Nhờ đồng vốn kịp thời của NHCSXH TP Hà Nội mà nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi các mô hình sản xuất kinh tế, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ riêng Thạch Thất, tại hầu hết các quận, huyện của Hà Nội, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ đắc lực cho nông dân, các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. Lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, năm 2020, huyện đã chuyển đồng nguồn vốn uỷ thác sang NHCSXH huyện Đông Anh.

Có thể đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW một cách bài bản, quyết liệt và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Là một địa phương đứng đầu trong cả nước về nguồn vốn ngân sách ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Những năm qua, nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH đã mở rộng nhiều cơ chế đặc thù của thành phố và còn có sự chung tay của 100% quận, huyện, thị xã để hỗ trợ người dân trên chính địa bàn của mình.

Phó Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Chỉ thị số 40-CT/TW đã được Đảng bộ TP Hà Nội quán triệt, phổ biến rộng rãi, được cấp ủy các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản gắn với các cơ chế đặc thù của thành phố. Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan tập trung huy động các nguồn lực. Đặc biệt là nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách thành phố, quận, huyện, thị xã và nhận ủy thác từ Uỷ ban MTTQ các cấp để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH TP Hà Nội đạt 10.215 tỷ đồng, tăng 1.747 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 4.111 tỷ đồng, tăng 1.150 tỷ đồng so với năm trước.

Trong năm 2020, cả 30/30 quận, huyện, thị xã chuyển bổ sung vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trong đó một số đơn vị chuyển vốn lớn như: Nam Từ Liêm 18,6 tỷ đồng; Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng 10 tỷ đồng.

Nguồn vốn ưu đãi đã đáp ứng 100% nhu cầu vay vốn của hộ nghèo; trong đó, tập trung nhiều cho các xã vùng khó khăn, những nơi còn nhiều hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội. Trong năm 2020, đã có trên 112 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội được vay vốn; góp phần thu hút trên 75 nghìn lao động; hỗ trợ cải tạo và xây mới trên 52 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho 400 HSSV có hoàn cảnh khó khăn… Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới.

NHCSXH TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng tín dụng như: Giao chỉ tiêu nợ quá hạn cho các NHCSXH quận, huyện, thị xã; phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp trong công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, công tác kiểm tra giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tích cực đôn đốc thu hồi nợ quá hạn. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,03% tổng dư nợ. Toàn chi nhánh có 12 đơn vị quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì không có nợ quá hạn.

Tiếp tục phát huy nguồn lực

Phát huy những kết quả đạt được của năm 2020, NHCSXH TP Hà Nội coi đó là tiền đề để thực hiện những mục tiêu đề ra trong năm 2021. Tiếp tục tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội và kế hoạch 130/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đối với nguồn vốn, tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND thành phố cân đối, bố trí vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương bố trí, bổ sung nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, tham mưu đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp HĐND để bổ sung nguồn vốn ủy thác trong năm 2021 và giai đoạn 2021 -2025. Tập trung huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện công tác huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế, đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh nguồn tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn.

Trong giai đoạn tới, mục tiêu của NHCSXH TP Hà Nội đặt ra là xây dựng tập thể vững mạnh với đội ngũ lãnh đạo và cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có đầy đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Bài và ảnh Minh Huyền

Các tin bài khác