Vốn chính sách hỗ trợ đắc lực nông dân ven đô thoát nghèo

02/11/2020
(VBSP News) Nằm trong vùng hữu ngạn sông Hồng có điều kiện mưa thuận gió hòa, đất đai phù sa phì nhiêu nên một trong những giải pháp, chính sách được cấp ủy, chính quyền huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) triển khai có hiệu quả là tập trung huy động nguồn vốn tín dụng chính sách, lồng ghép với các nguồn lực khác và ứng dụng KHKT vào sản xuất để phát triển nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
phuc tho

Nhiều hộ dân huyện Phúc Thọ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để thoát nghèo bền vững

Đến nay, hàng chục nghìn hộ dân trong toàn huyện có điều kiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống. Nguồn vốn chính sách đã tiếp sức giải quyết việc làm cho hơn 3100 lao động địa phương, giúp gần 400 HSSV có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập, xây dựng 6.600 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn;
Đến 30/8/2020, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Phúc Thọ đạt 418 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch năm. Tất thẩy nguồn vốn chính sách đó được chuyển tải về khắp 23 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, tập trung ưu tiên đầu tư cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm, phát triển làng nghề truyền thống như: đồ mộc Thanh Đa, dệt may Thương Hiệp, rau an toàn Phú An và xây dựng các loại hình, mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ.
Đơn cử như hộ gia đình anh Đỗ Tuy Nghị ở thôn 5, xã Ngọc Tảo khởi nghiệp làm kinh tế trang trại từ 40 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH cách đây 3 năm để chăn nuôi bò lai sin, lợn giống thuần chủng, thu lãi 50 - 60 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Tảo Dương Văn Thanh cho biết: Hiện Ngọc Tảo có 367 hộ hội viên ở 10 chi hội tiếp cận 7 chương trình tín dụng chính sách với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Điểm mạnh của nguồn vốn chính sách không chỉ giúp dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, mà còn ưu đãi về lãi suất cũng như các thủ tục vay vốn thuận lợi, kịp thời vào vụ sản xuất và liên tục những năm qua, không có hội viên nông dân nào ở Ngọc Tảo để nợ quá hạn, nộp lãi chậm với ngân hàng.
Không riêng ở Ngọc Tảo, nông dân ở hầu hết các xã, thị trấn của huyện cũng được tiếp cận nhanh chóng tới nguồn vốn chính sách và sử dụng hiệu quả. Đó là hộ bà Kiều Thị Minh ở xã Long Xuyên vay 33 triệu cho cô con gái Ngọc Thanh Phúc theo học suốt 4 năm tại Học viện Ngân hàng; hay nhà bà Khuất Thị Tuyết đã sử dụng 50 triệu đồng cho sinh viên Lê Tuấn Anh yên tâm học Đại học Y Hà Nội. Cả hai sinh viên trên đã ra trường năm 2018, hiện có việc làm thu nhập ổn định, giúp gia đình hoàn trả nợ gốc cho ngân hàng.
Có thể thấy rằng, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Phúc Thọ cùng NHCSXH đã và đang từng bước thực hiện thành công chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Kết quả đó còn phản ánh sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt trẽ của các cấp, các ngành đoàn thể với NHCSXH trong công tác tín dụng chính sách.
Giám đốc NHCSXH huyện Phúc Thọ Đoàn Quốc Thịnh cho biết: Để nguồn vốn chính sách đạt hiệu quả cao, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư tập trung huy động nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện thắng lợi công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Đông Dư

Các tin bài khác