Tín dụng chính sách góp phần phát triển sản xuất hàng hóa
Là huyện đồng bằng, bán sơn địa, đông dân, diện tích lớn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Nhưng, những năm qua, Yên Thành thay đổi từng ngày. Năm 2019, Yên Thành là huyện thứ 2 của tỉnh Nghệ An (sau Nam Đàn) đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, năm 2020 dự kiến đạt 47 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2%…
Đồng hành cùng bước phát triển của huyên, đến hết tháng 6/2020, NHCSXH huyện Yên Thành đạt tổng dư nợ hơn 740 tỷ đồng, gần gấp đôi tổng mức thu ngân sách hàng năm của huyện (380 tỷ đồng). Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Hà đánh giá: NHCSXH đóng góp vai trò rất lớn trong hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân, nhất là người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể tạo ra sản phẩm hàng hóa ngày càng nhiều cho xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Với sự hỗ trợ của tín dụng chính sách, một trong những mô hình kinh tế đang tạo dấu ấn ở Yên Thành là sản xuất, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Là một người lính, đóng quân qua nhiều địa phương, được tiếp xúc với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; khi xuất ngũ trở về, anh Đào Văn Tường ở xóm Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thành ấp ủ mục tiêu phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình. Khởi đầu vốn ít, chăn nuôi nhỏ lẻ. Tìm hiểu qua sách, báo, học kinh nghiệm qua các mô hình trong huyện, trong tỉnh, anh từng bước mở rộng chăn nuôi theo mô hình trang trại.
Bước ngoặt trong buổi đầu dựng nghiệp vào năm 2013, thông qua Hội Nông dân, anh Tường được vay 40 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH. Có vốn, anh bổ sung con giống, nâng cấp chuồng trại, mở rộng trang trại thành mô hình VAC khép kín. Thường xuyên trong chuồng nuôi 30 - 40 con lợn thịt; ao cá rộng 7ha, kết hợp nuôi hơn 2.000 vịt đẻ và 2 lò ấp trứng. Mô hình VAC không chỉ giúp thu nhập của gia đình anh Tường đạt hàng trăm triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Với kết quả đó, nhiều năm liền, anh Tường đạt thành tích hội viên CCB SXKD giỏi.
Hiện nay, toàn huyện Yên Thành có 82 trang trại và 318 gia trại, hầu hết được vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng rau, cây ăn quả… Nhưng, Nguyễn Văn Lưu ở xóm 11, xã Phúc Thành lại mạnh dạn đi theo một mô hình khác.
Là một hộ nghèo có thâm niên, năm 2018, thông qua Hội Nông dân, anh được vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH. Có vốn, vợ chồng anh quyết định đấu thầu một phần đầm Diệu Ốc để trồng sen. Sau 2 vụ, nhờ sen, gia đình anh thoát nghèo, cuộc sống đi dần vào ổn định; có điều kiện đầu tư thêm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuối năm 2019, anh được vay tiếp 12 triệu đồng chương trình tín dụng NS&VSMTNT. Món vay này tuy không lớn, nhưng đã kịp thời, đúng lúc tiếp sức cho gia anh phát triển chăn nuôi, có thu nhập đáng kể.
Nhận thấy cây sen trồng một lần thu hoạch nhiều năm, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều nhưng thu nhập khá; vì các sản phẩm từ cây sen như: hoa, gương, hạt, lá, thân cây, củ được coi là một trong những loại có lợi cho sức khỏe, được nhiều người ưa chuộng, giá tương đối cao và ổn định. Vì vậy, năm 2020, khi có ít vốn, vợ chồng anh lại tiếp tục làm đơn xin đấu thầu hết diện tích đầm Diệu Ốc rộng hàng chục héc - ta, từ xóm 11 ra tận chân đê cầu Diệu. Xã ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho anh Lưu tiếp tục làm đơn xin vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng. Được vay thêm vốn, anh mạnh dạn thuê người vớt bèo, cải tạo đầm Diệu Ốc suốt cả tháng trời.
Tính đến nay, với đầm sen kết hợp nuôi cá, anh Lưu giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng; lao động thời vụ 300.000 đồng/ngày. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng. Trồng sen từ vốn vay NHCSXH của anh Nguyễn Văn Lưu là mô hình kinh tế mới của nông dân huyện Yên Thành. Ngoài nguồn lợi lớn về kinh tế, trồng sen còn làm đẹp thêm cảnh quan, góp phần cải tạo môi trường sống ở làng quê.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Các tin bài khác
- » Cầu nối để thanh niên thoát nghèo
- » Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19
- » Đồng Tháp tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với vốn chính sách
- » Đà Nẵng giải ngân gói hỗ trợ cho người dân vay trả nợ tiền đất tái định cư
- » Nguồn lực góp sức xây dựng nông thôn mới
- » Phụ nữ ổn định cuộc sống từ nguồn vốn ưu đãi
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn - “Cánh tay nối dài” của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu
- » Hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh
- » Khởi sắc đời sống đồng bào Khmer
- » Giúp người dân vươn lên thoát nghèo