Dấu ấn tín dụng chính sách ở Nghệ An

12/07/2020
(VBSP News) Kết thúc năm 2019, NHCSXH tỉnh Nghệ An hoàn thành xuất sắc các kế hoạch, nhiệm vụ được giao đề ra. Không chỉ vậy, những tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng thiên tai hạn hán, dịch bệnh Covid - 19 nhưng NHCSXH vẫn tập trung huy động nguồn vốn, đẩy mạnh tiến độ giải ngân, đảm bảo hiệu quả tín dụng chính sách.
Hộ nghèo ở Nghệ An luôn có ý thức trả nợ, trả lãi cho NHCSXH tỉnh và tích cóp tham gia gửi tiền tiết kiệm ngay tại Điểm giao dịch xã

Hộ nghèo ở Nghệ An luôn có ý thức trả nợ, trả lãi cho NHCSXH tỉnh và tích cóp tham gia gửi tiền tiết kiệm ngay tại Điểm giao dịch xã

Giám đốc NHCSXH tỉnh Trần Khắc Hùng cho biết: Đạt được kết quả đó, trước hết, đơn vị đã bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng Nhà nước về giảm nghèo; trong đó có Chỉ thị số 40-CT/TW và các văn bản tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm đối với tín dụng chính sách, quan tâm bố trí, bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của tỉnh, huyện sang cho NHCSXH. Mặt khác, tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương, đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi từ các tổ chức, cá nhân, từ tiết kiệm dân cư, kể cả từ nguồn tiền tiết kiệm của chính hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh Nghệ An đạt trên 8.570 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 180 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra. Đáng kể đến các đơn vị trực thuộc là các huyện Nam Đàn, Diễn Châu, Con Cuông, Đô Lương, Quế Phong… đã cố gắng cao độ trong thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo bướt đột phá về công tác huy động vốn từ các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân tại địa bàn và từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh, góp phần đưa tổng dư nợ tăng trưởng trên 10% so với năm trước.
Liên tục những năm qua, nguồn vốn chính sách được Trung ương cấp, được địa phương ủy thác và các ban, ngành, doanh nghiệp gửi tiết kiệm đã phủ khắp miền quê. Đặc biệt, thời gian qua, vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, việc cho vay vốn chính sách vẫn được duy trì, đảm bảo an toàn, thuận lợi đến đúng các đối tượng thụ hưởng trên rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, về trung du đồng bằng Đô Lương, Nam Đàn, Yên Thành, ra vùng biển Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò với số tiền gần 1.000 tỷ đồng.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh Nghệ An đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, làm điểm tựa cho nhiều hộ nghèo và gia đình chính sách vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Nguồn vốn chính sách luôn tăng trưởng và được giải ngân nhanh gọn, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện dân chủ công khai, sát với nhu cầu thực tế của vùng nghèo, làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc; mức sống cư dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm 2 - 3%/năm trong đó các huyện nghèo 30a, các xã đặc biệt khó khăn ở vùng dân tộc miền núi, vùng bãi ngang ven biển giảm từ 3 - 5%.
Ở huyện vùng cao biên giới Quế Phong, nhiều người biết đến gương thương binh Hà Văn Viết, 70 tuổi ở bản Na Sai, xã Hạnh Dịch. Trước đây, kinh tế hộ gia đình rất khó khăn. Năm 2014, từ nguồn vốn vay 34 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH huyện, ông mua 1 cặp trâu sinh sản để chăn nuôi. Đến hạn, ông trả nợ theo quy định. Sau đó, ông mạnh dạn vay vốn chương trình SXKD vùng khó khăn 30 triệu đồng, mua thêm 2 con bò gầy về vỗ béo. Hiện, tổng đàn trâu bò của gia đình ông trên 20 con; cùng với 3ha rừng trồng keo và cây quế; 3 ao thả cá trên 600m2, mang thu nhập bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/năm.
Ở huyện miền núi Con Luông, chúng tôi đến thăm gia đình ông Vi Văn Đoàn ở bản Xiềng, xã Môn Son trước đây thuộc diện hộ DTTS đặc biệt khó khăn. Cuộc sống của mọi người trong nhà ông trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ, khuyến khích của chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn vay vốn chính sách đầu tư trồng trọt các loại cây lâu năm chăn nuôi trâu, bò và 5 lồng cá trên dòng sông Lam. Sau vài năm, gia đình ông Đoàn thoát hết nghèo “Khi ở ngoài bản gia đình không có việc làm, thế nên vợ chồng tôi bàn nhau vào rừng sâu làm kinh tế trang trại. Được vay vốn ưu đãi thuận lợi, gia đình tôi đã tham gia Dự án trồng rừng, keo, mía, dự án nuôi cá lồng. Giờ đây, kinh tế khá giả nhà cửa khang trang”, ông Đoàn tâm sự.
Còn ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có gia đình hội viên CCB Nguyễn Văn Truyền, trước năm 2013 là hộ nghèo đặc biệt khó khăn có nguy cơ các con của ông sẽ nghỉ học giữa chừng. Nhưng nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội dành cho HSSV mà 3 người con của ông đã tốt nghiệp đại học, ra trường có việc làm ổn định với thu nhập khá.
Hay gia đình CCB Hồ Sĩ Hạnh ở xóm Lạch Vằng, từ một hộ cận nghèo năm 2013 đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ có đời sống kinh tế khá hiện nay của xã, nhờ dùng vốn vay tín dụng chính sách xã hội đầu năm 2015 phát triển chăn nuôi và trồng keo lai trên diện tích 0,5ha đất đồi đá sỏi. Tháng 6 năm 2019 đã khai thác gỗ giấy cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Rõ ràng, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã và đang làm điểm tựa cho nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu chính đáng và trở thành công cụ hữu hiệu thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM. Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40, nhằm phát huy và nâng cao vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tham gia, vào cuộc một cách mạnh mẽ đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định chính trị và an ninh biên giới.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền cấp xã, thôn để tổ chức quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; đảm bảo tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách kịp thời, công khai, đúng đối tượng và sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Đông Dư

Các tin bài khác