Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững trên đất cố đô
“Cứu cánh” của nông dân
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được xem là giải pháp, là đòn bẩy kinh tế trong việc thực hiện mục tiêu.
Để đảm bảo đáp ứng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng chính sách để xây dựng kế hoạch tín dụng hàng năm báo cáo NHCSXH Trung ương; nguồn vốn ủy thác địa phương do UBND các cấp bố trí đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng.
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nhiều hộ đồng bào DTTS, miền núi đã được vay vốn theo các quyết định của Chính phủ để vươn lên thoát nghèo.
Chị Hồ Thị Nhép ở thôn A Tia 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới là một trong những hộ được vay vốn NHCSXH. Năm 2018, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của NHCSXH huyện thông qua Hội Phụ nữ xã. Với số tiền đó, chị Nhép đã mua 2 con bò giống và 4 con dê để phát triển kinh tế gia đình.
“Với người dân vùng đồng bào DTTS như chúng tôi, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất là nguồn vốn ban đầu, vì nếu vay bên ngoài thì hiệu quả sản xuất không đủ trả lãi. May nhờ nguồn vốn vay từ chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi của NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng nên gia đình tôi mới có cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Từ 2 con bò ban đầu, đến nay gia đình tôi đã có 5 con, với 7 con dê hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định”, chị Nhép cho biết.
Vốn tín dụng chính sách cũng đã giúp nhiiều hộ dân ở huyện miền núi Nam Đông tiếp cận với các mô hình mới, phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống và góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đến thăm mô hình trồng rừng, cao su và chăn nuôi bò của gia đình Hồ Sỹ Thi ở thôn Ta Rung, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông, nhìn “cơ ngơi” trang trại của ông Thi không ai tin nó được dựng lên từ đôi tay của một nông dân từng thuộc diện hộ nghèo của xã.
Ông Thi cho biết, trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo và được chính quyền xã tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Nam Đông, gia đình ông Thi đã vay 50 triệu đồng để mua giống cây cao su, cây keo và chăn nuôi bò. Sau nhiều năm miệt mài cải tạo đất, hiện tại, gia đình ông sở hữu hơn 5ha rừng keo tràm, 4ha rừng cao su tiểu điền và mở trang trại kết hợp chăn nuôi bò vỗ béo dưới tán rừng. Có thu nhập ổn định, ông Thi mở rộng đầu tư, cải tạo vườn tạp và nhận nhiều giống cây ăn quả mới của địa phương hỗ trợ như bưởi da xanh, ổi, cam… Hiện, trang trại của ông Thi cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm, là mô hình cho nhiều nông dân trong địa phương học hỏi.
Chất lượng tín dụng chính sách tốt theo hướng ổn định, bền vững
Thông qua việc vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, tính đến nay, toàn tỉnh có 11.412 hộ đã thoát nghèo; 7.420 lao động có việc làm; 192 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; 3.701 HSSV được vay vốn để học tập; 1.883 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở; 76.306 công trình NS&VSMTNT được xây mới và 21.983 hộ ở vùng khó khăn được vay vốn SXKD… Tín dụng chính sách cũng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020 tại địa phương từ 8,36% (đầu năm 2016) xuống còn 4,17% (cuối năm 2019).
Giám đốc NHCSXH tỉnh Trương Công Lân cho biết: Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hội trên địa bàn. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đến hết tháng 3/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế là 2.825.795 triệu đồng. Và đang thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ là 2.822.243 triệu đồng, tăng 935.454 triệu đồng so với cuối năm 2015.
“Một điều đáng nói là quy mô tín dụng ngày càng được mở rộng, nhưng chất lượng tín dụng luôn được duy trì, ổn định ở mức độ cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của NHCSXH tỉnh đến nay là 0,11%. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,09%; tỷ lệ nợ khoanh là 0,02%. NHCSXH tỉnh đã phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quản lý 2.438 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, 2.382 tổ đạt chất lượng tốt (chiếm 97,7%); 56 tổ đạt loại khá (chiếm 2,3%); không có Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại Trung bình và xếp loại Yếu”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Trương Công Lân chia sẻ.
Với mô hình quản lý sáng tạo gắn kết với sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người dân và đồng bào DTTS; góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trong giai đoạn hiện nay.
Bài và ảnh Thùy Nhung
Các tin bài khác
- » NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc chung tay khắc phục hậu quả dịch bệnh
- » Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm
- » Chung tay giúp cao nguyên Lâm Đồng phồn vinh
- » Chính sách hỗ trợ nhà ở giúp hộ nghèo Bình Phước ổn định cuộc sống
- » Vốn ưu đãi tiếp sức cho những mô hình sản xuất mới
- » Tín dụng chính sách góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn
- » Tiếp sức cho nông dân Hưng Yên làm giàu
- » Hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm
- » Hành trình bền bỉ của tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh
- » HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2020 <br/> Tươi đẹp biển đảo quê hương